Năm 2022, nhiều đại học đã công bố phương thức tuyển sinh dự kiến, trong đó không ít trường giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và bổ sung nhiều phương thức khác. Thay đổi này khiến nhiều học sinh cảm thấy bị bất lợi vì đã dành phần lớn thời gian bậc THPT để ôn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
Từ năm ngoái, việc đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm chỉ tiêu ở một số phương thức truyền thống đã gây ra nhiều tranh cãi. Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 16/3, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, cho biết hiện tồn tại 20 phương thức tuyển sinh, nhiều trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp.
Cách làm này không sai, tuy nhiên nhiều trường phân bổ chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức, dẫn đến thiếu công bằng, gây ra các hệ lụy. Nổi bật là tình trạng thí sinh đạt 30 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn trượt đại học.
"Nhiều trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng lại không có biện pháp đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, gọi các em nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn đến thí sinh ảo lớn; chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất", bà Thuỷ nói.

Danh sách phương thức xét tuyển đang tồn tại. Cột "Cộng" là số trường sử dụng phương thức tương ứng.
Để tránh tình trạng này, bà Thuỷ đề nghị năm 2022, các trường cần đảm bảo nguyên tắc ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình giảm (chẳng hạn không quá 30% tổng chỉ tiêu mỗi năm) để không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của học sinh.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đưa phương thức mới vào tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, việc bỏ hay giảm mạnh chỉ tiêu theo phương thức cũ sẽ gây sốc cho thí sinh vì các em đã ôn tập theo phương thức đó từ lâu.
"Các trường có thể giảm chỉ tiêu theo một phương thức nhưng cần có lộ trình, không nên đột ngột bỏ hay giảm mạnh để tránh gây sốc cho thí sinh", ông Sơn nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị tuyển sinh chiều 16/3. Ảnh: MOET
Cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế có những ngành cần nhiều phương thức xét tuyển để chọn được thí sinh tốt nhất và phù hợp nhất. Tuy nhiên, Bộ dự kiến yêu cầu các trường/ngành phải giải trình được sự phù hợp khi sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Ngoài dự kiến trên, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật như việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sẽ được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; thời gian đăng ký thi đại học sẽ diễn ra sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc.