Từng trải qua "lượt đi", nên đến "lượt lại", tôi nghĩ mình đã có kinh nghiệm và sẽ không mất quá nhiều thời gian với các loại giấy tờ. Nhưng, tôi đã nhầm.
Tập hồ sơ tái bổ nhiệm, tương tự hồ sơ bổ nhiệm, yêu cầu 10 loại giấy, trong đó có 6 mục cá nhân phải chuẩn bị gồm: Sơ yếu lý lịch; Bản tự kiểm điểm ba năm gần nhất; Nhận xét của chi ủy nơi cư trú về bản thân và gia đình; Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm; Giấy chứng nhận sức khỏe trong thời hạn 6 tháng.
Trên giấy giới thiệu của cấp ủy Đảng nơi đảng viên công tác gửi cấp ủy Đảng nơi đảng viên cư trú bắt buộc phải ghi "Ngày kết nạp Đảng". Đang trong chuyến công tác xa nhà cả nghìn cây số, vì không thể nhớ nổi các con số, sự kiện của nhiều loại giấy tờ, tôi buộc phải hoãn công việc hai ngày, tức tốc về nhà tìm lại hồ sơ để ghi chính xác ngày vào Đảng.
Chưa hết, tôi còn phải hoàn thành "Sơ lược lý lịch", về quá trình học tập, công tác, thái độ chính trị của từng thành viên trong gia đình mình, gia đình bên vợ.
Điều đáng nói là, những yêu cầu về hồ sơ trên đây, tôi từng kê khai chi tiết khi làm thủ tục bổ nhiệm lần đầu. Sau đó, cuối mỗi năm, thực hiện quy định liên quan cán bộ, công chức, tôi phải bổ sung lý lịch, tự nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các bản khai này được nhiều vòng cấp trên xem xét, đánh giá. Cũng theo quy định, công chức, viên chức phải kê khai tài sản, thu nhập và nộp các văn bằng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng trong năm cho bộ phận tổ chức cán bộ. Chúng tôi cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ thường niên.
Các thông tin trên đều được lưu giữ trong Hồ sơ cán bộ, công chức và được quản lý chặt chẽ. Nhưng không có quy định nào để chúng được tái sử dụng, hoặc liên thông dữ liệu.
Sự phiền hà chưa dừng lại. Với xác nhận của cấp ủy Đảng nơi cư trú, tôi mất ba ngày mới xin đủ các chữ ký của Bí thư Chi bộ, xác nhận của Đảng ủy và Đảng bộ địa phương. Bởi xin chữ ký một nơi, xin xác nhận ở một phòng khác; nơi tôi cần đến chỉ tiếp nhận thủ tục vào các ngày chẵn, lẻ, hoặc buổi sáng hay chiều. Sau ba ngày đi lại và chờ đợi, tôi mới gom đủ cả chữ ký và con dấu.
Thử hình dung một phép tính đơn giản cho bài toán "5 năm bổ nhiệm lại một lần". Trên cả nước từ cấp trung ương đến địa phương có hàng trăm nghìn cán bộ cấp phòng trở lên cần phải thực hiện thủ tục này. Số lượng người nhân với số giấy tờ sao chụp 10 loại trên, tiếp tục nhân với số tiền phí, lệ phí công chứng hiện tại: 2.000 đồng một trang chứng thực, công chứng; 400.000 đồng một tờ giấy khám sức khỏe, sẽ ra con số không hề nhỏ.
Câu chuyện trên mới chỉ là trải nghiệm và tính toán của tôi về quy trình bổ nhiệm lại. Trong mọi lĩnh vực, còn hàng trăm loại thủ tục hành chính, từ hệ trọng như mua bán nhà đất đến loại thường gặp như giấy chứng nhận cư trú trên địa bàn. Mỗi thủ tục một chút thừa thãi, cả bộ máy sẽ tiêu tốn nguồn lực và chi phí khổng lồ.
Tôi mang chuyện của mình đi thắc mắc với một cán bộ quận đã nghỉ hưu, ông bảo: "Biết vậy, nhưng không đủ giấy là không xong, không khai đúng là không được".
Thủ tục hành chính là trình tự, thủ tục cần thiết để cơ quan nhà nước giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều năm nay, Chính phủ liên tục yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhưng từ chủ trương đi vào đời sống có khoảng cách quá lớn. Yêu cầu xuất trình, sao y chứng thực đủ loại giấy tờ đã trở thành một thói quen cố hữu của các cấp chính quyền, mà nhiều khi chỉ nhằm tạo cảm giác yên tâm, loại bỏ rủi ro trách nhiệm. Sự nhiêu khê, rườm rà nêu trên cũng tạo môi trường cho tiêu cực nảy nở.
Xoá bỏ những quy định chồng chéo, rườm rà là gỡ bỏ những điểm nghẽn lớn trên hành trình xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Trần Phú Dũng