Hàng ngày đi làm từ Thủ Đức vào trung tâm TP HCM, đi trên đường Võ Nguyên Giáp (trước là Xa lộ Hà Nội), tôi bối rối với hai bảng khẩu hiệu giao thông vì trên đó thể hiện quá nhiều chữ, lại còn đặt sát nhau.
Với tốc độ xe máy, dù đi chậm nhưng hầu như đi ngang một lần sẽ không đọc kịp trên đó viết gì. Những lần sau này, vừa chạy chầm chậm, vừa ngoái cổ nhìn thì mới bắt kịp nội dung.
Bảng thứ nhất nội dung: "Đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện".
Bảng thứ hai có nội dung: "Chú ý quan sát! Đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người. Các phương tiện lưu thông chú ý không phóng nhanh vượt ẩu, đi đúng phần đường, làn đường quy định".
Mục đích của các bảng khẩu hiệu là nhắc nhở người đi đường, điều này tốt. Nhưng hình thức thể hiện làm tôi bối rối. Không chỉ hai bảng này, mà còn nhiều bảng khác, nội dung rất dài dòng, người đi đường không thể đọc xong nội dung chỉ với vài giây đi lướt qua.
Tôi nghĩ nếu nội dung muốn truyền tải không thể cô đọng, ngắn gọn trong vài chữ thì nên diễn đạt bằng ký hiệu, hình ảnh để dễ nhận diện.
Hơn nữa, nội dung cũng cần "mới". Đội mũ bảo hiểm là điều bắt buộc khi tham gia giao thông từ năm 2007. Gần 17 năm trôi qua, biết bao nhiêu người bị phạt vì không đội mũ và đội mũ khi chạy xe hai bánh là thói quen hiển nhiên của đa số người dân rồi, ai không đội thì phải bị phạt, thế nên cũng không cần nhắc nhở "phải đội mũ".
Hùng Lê