Tất cả ở trong nhà, dọn dẹp nhà cửa, sửa sang, cắm đào và hoa, thay khăn trải bàn mới. Người sắp xếp thực phẩm vừa mua vào tủ lạnh, chuẩn bị món ăn. Mọi câu chuyện trong nhà, ai đó luôn kèm theo thông tin cập nhật về bao nhiêu ca bệnh mới, ở đâu.
Nói chung là khác hẳn mọi năm trước. Ngày này chúng tôi thường lên chùa hay đi thăm thông gia, họ hàng, thầy cô giáo, bạn bè thân thiết. Tôi luôn có một danh sách những người rất gần gũi mà trong năm mình ít có dịp tới thăm để đi. Nhưng năm nay, thực hiện giãn cách xã hội, tôi đành chúc Tết từ xa qua điện thoại, máy tính.
Có lẽ không Tết nào như Tết này. Tin vui xen lo lắng. Mọi người trong nhà còn an toàn cũng là vui rồi. Lo lắng vì Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, Gia Lai cận Tết vẫn còn xuất hiện thêm các ca ủ bệnh. Em dâu tôi muốn vào TP HCM thăm mẹ già đã phải hủy vé máy bay dù tốn thêm hơn triệu đồng.
Sáng sớm hai tuần trước, khi dịch bệnh nhen lên, con trai gọi điện cho tôi: "Bố nhớ đừng đi đâu nhé, Hải Dương có nhiều ca Covid mới rồi đấy". Tôi lo quá, tuần nào tôi cũng có kế hoạch đi nói chuyện cho học sinh ở các trường phổ thông. Liệu các trường có hoãn không? Cuối năm bao nhiêu cuộc họp hành, bỏ thế nào được? Cũng may, gia đình tôi đã kịp về quê thắp hương cho bố mẹ tôi và bố mẹ vợ, thăm hỏi bà con.
Còn bây giờ, con trai tôi chắc đang cùng các bác sĩ trong bệnh viện đối phó với dịch. Đợt dịch trước, Lân Hiếu đã cùng các chiến hữu vào tiếp sức chống dịch tại miền Trung. Chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần có thể Tết này con trai sẽ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
"Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì chúng tôi", khẩu hiệu của các y bác sĩ đã lan rộng ở nhiều quốc gia. "Ở nhà là yêu nước", chưa bao giờ hai từ "ở nhà" lại được nhắc nhiều như vậy.
Tết truyền thống là dịp sum họp lớn nhất của gia đình. Thông cảm hơn cho những ai chưa kịp về nhà hay tự nguyện chọn chưa về với gia đình vì lời kêu gọi ở yên của chính phủ. Mai đã là Tết rồi. Những điểm cách ly, nơi công nhân ở lại ăn Tết tại chỗ, nơi cơ quan bị phong tỏa cũng có bánh chưng, hoa mai, đào, giò chả và bánh mứt. Thế cũng đủ vui rồi.
Tôi cũng kịp mua vài chục số báo xuân, tờ nào cũng đẹp. Tôi gửi các bài viết của tôi về Tết cho cậu, mợ tôi ở bên Mỹ để mang không khí Tết đến cho bà con xa xứ. Tôi cũng nhận được những vần thơ của bà con từ hải ngoại gửi về. Nhiều bài thật cảm động.
Ngoài những người trong nước chưa về quê ăn Tết được, chúng ta hiện có hơn 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay lúc này, tất cả họ đều rất mong Việt Nam sẽ mau chóng khống chế được đợt dịch mới để không lâu nữa sẽ được về thăm đất nước. Nhiều bạn bè, họ hàng của tôi trong TP HCM và Huế - nơi tôi sinh ra - cũng nhắn tin mong tôi sau Tết sẽ về chơi, hoặc họ sẽ tới Thủ đô để gặp gỡ đầu Xuân.
Cậu tôi ở Mỹ viết email, "mỗi ngày ở xứ này có trên 4.000 người nhiễm Covid-19 là chuyện bình thường". "Các cháu ở Việt Nam may mắn thế", cậu bảo.
Chúng ta đừng đánh mất thành tích rất đáng tự hào về việc đã đứng vững trước đại dịch trong năm vừa qua. Cả thế giới từng hát vang bài "Ghen Cô vy" và cả nước đều thuộc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). Chúng ta đã chứng tỏ là một đất nước đoàn kết và có ý thức kỷ luật, biết tôn trọng quy tắc phòng dịch.
Vì thế, tất cả chúng ta sẽ trách nhiệm với chiến dịch này để duy trì lòng tự hào chính đáng. Mỗi gia đình nhắc nhở nhau, các trường học và cơ quan theo dõi chặt chẽ tình hình nhân viên, học sinh của mình để đối phó kịp thời. Nếu yêu quý nhau, nhớ nhắc nhau đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và cố gắng ở nhà khi không thật cần thiết phải ra ngoài.
Tết khẩu trang và giãn cách cũng không phải điều gì tồi tệ lắm. Thôi thì, không có khách đến và cũng chả đi thăm ai, cả nhà quây quần bên nhau cũng là vui và may mắn lắm rồi. Đây cũng là dịp để phát huy tinh thần xã hội số, thăm hỏi, chúc Tết nhau qua điện thoại, tin nhắn, e-mail. Biết bao nhiêu bác sĩ, nhân viên y tế còn không thấy mặt người thân vì đang trên tuyến đầu chống dịch đấy thôi.
Không đi chúc Tết cũng là văn hóa của những người không ích kỷ cho riêng mình.
Nguyễn Lân Dũng