Ý kiến được các bên đưa ra tại hội nghị tư vấn đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, sáng 4/8.
Bà Vũ Thị Hiền, phụ trách nhân sự Công ty may mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi) nói rằng công nhân may rất khó làm việc đến lúc hưu, đặc biệt khi tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tăng lên 60 tuổi.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động tăng dần theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Cùng với đó, lao động phải đáp ứng số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Theo quy định hiện hành, đối với nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm sẽ được tính thêm 2%. Với nam, mức hưởng 45% tương ứng 20 năm tham gia mỗi năm đóng thêm được tính tăng lên 2%.
Theo bà Hiền, nhiều ngành nghề đặc thù, lao động ngoài 40 tuổi rất khó theo nổi công việc. Cùng lúc đó, doanh nghiệp tìm cách cho công nhân nghỉ việc bởi cho rằng tuổi tác ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Nhiều người rời nhà máy có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã trên 20 năm, đủ điều kiện số năm tối thiểu để hưởng lương hưu. Tuy nhiên do chưa đủ điều kiện tuổi nên vẫn phải chờ. Trước thực trạng này, đại diện doanh nghiệp đề xuất giảm tuổi hưởng lương hưu hoặc tính lại thời gian hưởng cho phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói hiện tuổi hưu và tuổi nghề đang bị đánh đánh đồng và muốn chính sách bảo hiểm xã hội phải giải quyết hết, tức lao động được nghỉ hưu khi hết tuổi nghề.
"Điều này là không ổn", ông Cường nói và cho biết nếu người lao động đóng thời gian ngắn nhưng hưởng sớm, tức thời gian hưởng kéo dài thì quỹ bảo hiểm sẽ khó cân đối được.
Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng có những công việc tuổi nghề rất ngắn. Ví dụ vận động viên chuyên nghiệp chỉ cần ngoài 30 tuổi là không thể thi đấu được nữa. Tuy nhiên, họ không thể về hưu ở tuổi 30 mà chuyển sang làm huấn luyện hoặc chuyển đổi công việc, tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Theo ông Cường, không quốc gia nào trên thế giới quy định tuổi hưu theo tuổi nghề mà sẽ có một tuổi về hưu chung, sau đó tùy vào công việc đặc thù sẽ được về hưu sớm hơn. Tại Việt Nam, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ đủ 15 năm trở lên thì có thể được nghỉ hưu sớm, nhưng không quá 5 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu bình thường.
Trong khi đó, ông Vũ Trọng Hiền, đại diện Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6), cho rằng quy định về lao động làm công việc nặng nhọc độc hại còn nhiều bất cập khiến quyền lợi ngắn hạn, hưu trí của họ bị ảnh hưởng.
"Nhiều nghề bị bỏ sót khiến lao động không thể về hưu sớm dù sức khỏe suy giảm", anh Hiền nói và lấy ví dụ công nhân ủi trong các nhà máy may không thuộc nhóm nghề nặng nhọc độc hại dù phải làm việc ở nhiệt độ cao, cũng chịu tiếng ồn, hít bụi vải. Tương tự, lao động làm công việc ép nhãn, các logo vào sản phẩm. Những công nhân này không chỉ chịu chung môi trường của nhà máy mà công việc còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Từ thực tế này, đại diện doanh nghiệp đề xuất danh mục nghề nặng nhọc độc hại cần được ngành lao động thường xuyên cập nhật, loại bỏ những nghề không còn tồn tại, cập nhật những công việc mới phát sinh để đảm bảo quyền lợi cho lao động.
Lê Tuyết