"Trước ngày 19/10, Hải Phòng xác định cả quận Cầu Giấy là vùng xanh, nhưng nay phường Dịch Vọng Hậu nơi mình ở đã chuyển sang vàng", Minh Ngọc, 27 tuổi, thở dài. Dù đã tiêm hai mũi, ở vùng vàng, nếu về Hải Phòng cô phải tự theo dõi sức khoẻ 7 ngày tại nhà. Tính về thăm bố mẹ hai ngày cuối tuần, Ngọc vẫn không biết mình có vi phạm quy định phòng dịch.
Cô đã liên hệ trạm y tế ở quê nhưng muốn biết chính xác chế độ cách ly dành cho mình thế nào, Ngọc vẫn phải về phường khai báo và phụ thuộc vào bảng cập nhật hình dịch với từng trường hợp cụ thể. "Quá phức tạp", Ngọc nói.
Theo quy định của Hải Phòng, người dân nếu về địa phương trước 12h sẽ áp dụng bảng màu phân cấp độ dịch của ngày hôm trước. Còn sau 12h phải theo bảng mới của các địa phương do thành phố cập nhật. Thực trạng sáng đi là vùng xanh nhưng trưa về có thể thành vàng, cam, thậm chí là đỏ nếu nơi đi ghi nhận ca nhiễm mới khiến cô quan ngại. Suốt gần một tháng qua, Ngọc ở lại Hà Nội nghe ngóng tình hình.
Từ ngày 11/10, Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn Covid-19 chia các địa bàn thành 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: Cấp 1 màu xanh (nguy cơ thấp - bình thường mới); cấp 2 màu vàng (nguy cơ trung bình); cấp 3 màu cam (nguy cơ cao) và cấp 4 màu đỏ (nguy cơ rất cao). Theo chính sách này, người dân từ các vùng cấp độ 1 và 2 được tự do đi lại, người từ địa bàn cấp 3 được phép di chuyển kèm theo điều kiện về tiêm vaccine, xét nghiệm; người đến từ địa bàn cấp 4 hạn chế đi lại.
Nhưng kể cả khi các tỉnh thành mở cửa, bỏ xét nghiệm Covid-19, vận tải hành khách công cộng được nối lại nhưng tâm lý ngại ngần về quê xảy ra với nhiều người. Khảo sát nhanh của phóng viên VnExpress với nhóm người chưa thể quê, đa phần trở ngại liên quan đến các quy định không rõ ràng về cách ly y tế, phương tiện di chuyển khó khăn, vé xe đắt, sợ về không quay lại được, lo ngại lây nhiễm và sự dè chừng của hàng xóm khi trở về nơi có dịch.
Điều này đang xảy ra với Tiến Hùng, 27 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm. Tròn 4 tháng chưa về nhà, ngày 19/10 khi Thanh Hoá nới lỏng kiểm tra tại các chốt, xoá bỏ quy định xét nghiệm với người về từ Hà Nội, anh thử tìm xe về xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá. Xe khách ít chuyến, chủ yếu là xe tư nhân từ 4 chỗ đến 7 chỗ. Giá xe ghép trước dịch là 200.000 đồng/lượt, nay lên 400.000 đồng – 500.000 đồng, tuỳ thuộc vào điểm đón, trả khách. Thắt chặt chi tiêu trong nhiều tháng, việc tiêu tốn cả triệu đồng chỉ để về quê ngày hai cuối tuần, khiến anh đắn đo.
Ngoài giá vé, sự không rõ ràng về thông tin cách ly khiến Hùng không dám về. Trong hội đồng hương, nhiều người cho biết về từ vùng vàng ở Hà Nội không phải cách ly tại nhà, xét nghiệm nhanh hay trình các giấy tờ chứng minh nơi ở hiện tại. Nhưng số khác lại nói phải tự theo dõi sức khoẻ hoặc cách ly 7 ngày tại nhà dù đã tiêm hai mũi. "Quá nhiều thông tin khiến mình không biết tin ai. Trừ trường hợp về dài ngày hoặc có việc gấp, những người như mình không ai dám liều", Hùng nói.
Trước thắc mắc của Hùng, ông Lê Văn Phượng, chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, cho biết các quy định về biện pháp phòng chống dịch với người về địa phương được áp dụng theo cấp độ dịch của Bộ Y tế.
"Trước khi về, người dân nên xin giấy xác nhận tại phường, xã nơi tạm trú là vùng an toàn, chứng nhận tiêm vaccine. Sau khi khai báo, xã sẽ căn cứ vào cấp độ dịch của nơi đi để có các biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp", ông Phượng nói và cho biết thêm, riêng những trường hợp tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nếu muốn ra khỏi địa phương trước thời gian quy định nên thực hiện xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn.
Lê Thuý, 26 tuổi, quê ở thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cũng bối rối với các quy định cách ly. Tự tìm hiểu, những người ở vùng vàng, đã tiêm mũi vaccine thứ hai nhưng chưa đủ 14 ngày như cô, khi về địa phương sẽ phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày, cùng thông báo dán ngoài cửa "gia đình có người đi từ vùng dịch về". Nhưng nếu áp theo quy định tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, những trường hợp như Thuý chỉ phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày. "Tôi cần một hướng dẫn chi tiết cụ thể, áp dụng cho các tỉnh thành để có thể an tâm về quê, thay vì mỗi nơi một kiểu như hiện nay", Thuý nói.
Nhiều người cho rằng việc cập nhật hướng dẫn phòng chống dịch của một số địa phương "đang làm quá", gây khó khăn khi người dân có nhu cầu về quê.
"Chúng tôi buộc phải làm thế khi số ca nhiễm tại các tỉnh thành biến động theo từng giờ", ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói. Theo ông Nam, có những địa phương hôm trước không có ca dương tính nhưng nay lại có. Bản cập nhật hàng ngày để người dân và chính quyền theo dõi sát, áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp để không lây lan dịch bệnh, là cần thiết.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, từ 7/10 đến 25/10, 381.000 người đã di chuyển từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về quê, hầu hết đã lấy mẫu xét nghiệm trong đó ghi nhận 6.200 ca dương tính. Nhiều địa phương phản ánh gặp khó khăn khi áp dụng biện pháp quản lý người trở về từ tỉnh nguy cơ cấp 1, 2 nhưng lại cư trú ở xã, phường nguy cơ cấp 3, 4. Nhiều người đã tiêm vaccine vẫn bị nhiễm, nếu chỉ cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây ra cộng đồng.
"Nếu như không làm chặt các quy định phòng dịch, một khi mất kiểm soát sẽ rất nguy hiểm", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng nói.
Tâm lý ngại về quê cũng đến với gia đình chị Nguyễn Tâm, 34 tuổi, trú tại Đồng Nai - nơi từng là vùng đỏ đậm đặc. Đã tiêm đủ hai mũi nhưng người từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi về Nghệ An phải cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm hai lần. Lo sợ đem bệnh về nhà khi người thân ở quê chưa tiêm đủ vaccine, ngại tiếp xúc với hàng xóm và trở thành gánh nặng của địa phương, chị Tâm ở lại.
"Nhất là khi số ca dương tính trở về từ các tỉnh phía Nam đang gia tăng", chị nói. Đến 27/10, Nghệ An tiếp nhận gần 24.000 công dân từ các tỉnh phía Nam về quê, trong đó, phát hiện 308 ca dương tính.
Với những người e ngại về quê khi quy định cách ly, theo dõi sức khoẻ chưa có sự thống nhất, Lê Thúy hy vọng trong thời gian tới sẽ sớm được đồng bộ giữa các tỉnh để người dân an tâm đi lại, tránh sự hoang mang khi cùng từ vùng xanh, vùng vàng nhưng người được tự theo dõi sức khoẻ, người phải cách ly tại nhà như hiện nay.
Hiểu rõ các biện pháp phòng dịch là cần thiết, nhưng để tránh nỗi lo sáng đi nơi ở vẫn màu xanh, vàng, trưa về lại "đổi màu", Ngọc mong sớm có sự rõ ràng trong các quy định. Bên cạnh đó câu hỏi "có được rời thành phố trước khi hết thời gian theo dõi sức khoẻ 7 ngày" của cô chưa được giải đáp.
"Nhiều người nói thích thì lên vì không ai giám sát, nhưng lỡ tôi tiếp xúc với F0 và lây lan dịch bệnh cho người khác, liệu có đang vi phạm quy định phòng chống dịch không?", Ngọc thắc mắc.
* Tên các nhân vật đã thay đổi
Quỳnh Nguyễn