Ba chiếc xe xịt lốp đang đợi sửa dưới cơn mưa như trút nước. Huỳnh Văn Hoài Hận giục đoàn hơn 30 người vào tạm chốt kiểm dịch bên đường N2, huyện Tháp Mười trú mưa. Anh cùng mọi người trong nhóm bật đèn pin điện thoại soi cho nhau sửa. Nước xé toang cái áo mưa mỏng, ba thanh niên run lên vì lạnh. Sau gần một giờ đồng hồ, họ xong việc. Lúc này, các thành viên trong đội SOS Tháp Mười mới chạy vào chốt, nhìn rõ những người mình vừa hỗ trợ.
"Trong đoàn có các cụ già, vài đứa nhỏ và phụ nữ mang bầu. Tóc tai ai cũng bết rối vì bụi hòa với nước mưa. Họ cứ cúi đầu cảm ơn, làm tôi vừa xúc động, vừa vui", Hận, 28 tuổi, nói.
Anh bắt đầu "sự nghiệp vác tù và hàng tổng" từ Tết Nguyên đán, bằng cách rủ đám bạn thân bỏ tiền túi mua nước, bánh mì, lên cao tốc N2, cửa ngõ ra vào Đồng Tháp, tặng người lao động từ các tỉnh về quê tránh dịch.
Thấy nhiều người hỏng xe dọc đường, nhóm của Hận bàn nhau lập đội sửa xe giúp. "Xưa đi học ở Sài Gòn tui toàn chạy xe máy về quê, hỏng xe hoài nên hiểu cảm giác của họ", anh nói. Một thành viên trong nhóm làm nghề sửa xe nên bổ túc cho những người còn lại. Tháng 2, Đội cứu hộ SOS Tháp Mười do Hận làm đội trưởng ra đời, hoạt động từ 20h - 0h hàng ngày.
Đầu tháng 10, khi các tỉnh bắt đầu gỡ bỏ giãn cách, nhiều người mắc kẹt ở các thành phố lớn chạy xe máy về quê, đội hoạt động 24/24. "Bây giờ đã có 18 anh em, trong đó có hai thợ sửa xe chuyên nghiệp, chia làm bốn ca", Hận nói. Tính đến nay, nhóm đã hỗ trợ được hơn 800 trường hợp hỏng xe dọc đường.
Trần Thị Ngân, 22 tuổi, công nhân ở Long An là một trong số đó. Bị mắc kẹt hơn hai tháng trong phòng trọ, cô một mình chạy xe máy về quê ở Đồng Tháp. Lao vào ổ gà, xe Ngân kêu lọc xọc rồi dừng hẳn. Cô gái trẻ loay hoay dắt vào chốt kiểm dịch cầu cứu, thì được cảnh sát giao thông cho số hotline của Đội cứu hộ SOS Tháp Mười.
Như hàng trăm người về quê tránh dịch khác, ngoài được giúp sửa xe, Ngân được đội tặng xăng, bánh mì và nước uống. "Mọi người đi theo đoàn, có gì hỗ trợ nhau, còn tui một mình, không có các anh không biết sao", cô nói, hôm 8/10.
Để có kinh phí giúp đỡ những người như Ngân, ban đầu các thành viên trong đội cứu hộ SOS nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ tiền. Khi các đoàn người về quê đông hơn, đội huy động mạnh thường quân tài trợ thêm săm, lốp xe, xăng dầu hay các loại hiện vật chứ không nhận tiền mặt.
Anh Hồ Văn Tài, Phó bí thư huyện Đoàn Tháp Mười cho biết, anh từng đi cùng đội của Hận để tìm hiểu cách thức hoạt động. "Các bạn ấy tận tình, lịch sự khi hỗ trợ người dân và không quản ngày đêm. Khi Đồng Tháp giãn cách, người dân không đi lại, thì các bạn tham gia trực tại các chốt kiểm soát dịch", anh Tài nói.
Trong thời gian hỗ trợ người dân gặp khó, Hồ Văn Hoài Hận "đã tìm thấy ý nghĩa của đời mình". Anh chọn theo nghề nông của cha mẹ, để vẫn ở gần nhà, duy trì hoạt động đội, đến hết đời.
Phạm Nga