Vợ chồng anh Long có hai con, đủ cả trai gái. Vợ anh đã hai lần đi đặt vòng tránh thai nhưng bị rong kinh cả tháng nên phải tháo ra. Tháng trước, anh phải dẫn vợ vào Bệnh viện Từ Dũ giải quyết hậu quả do vỡ kế hoạch.
“Vợ năn nỉ mình đi thắt ống dẫn tinh, mình thấy đó cũng là cách giải quyết cho tình trạng thường xuyên vỡ kế hoạch của hai vợ chồng, nhưng cứ thấy ngần ngại. Nghe mấy ông bạn dọa, thắt xong về sẽ thành thái giám”, anh Long tâm sự.
Anh Quang (Hoài Đức, Hà Nội) cũng viết mail cho VnExpress.net nhờ bác sĩ giải đáp thắc mắc, liệu thắt ống dẫn tinh có để lại hậu quả gì không. Vợ chồng anh đã có 3 con gái, gia cảnh không khá giả gì, anh không muốn bà xã sinh thêm, nhưng vợ lại sợ có lỗi vì không đẻ được con trai để "nối dõi tông đường".
“Mình thương bà xã nên đang tính chuyện đi thắt ống dẫn tinh, nhưng vẫn dùng dằng chưa dám quyết vì sợ triệt sản xong sẽ trở thành thái giám”, anh Quang chia sẻ.
Thạc sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân TP HCM cho biết, so với các nước trên thế giới và cả trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore…, tỷ lệ nam giới đi thắt ống dẫn tinh tại Việt Nam còn rất thấp, do vẫn còn tâm lý sợ trở thành thái giám. Đây là suy nghĩ rất sai lầm.
Theo ông Dũng, tinh hoàn là một cơ quan đặc biệt ở nam giới, có chức năng sản xuất tinh trùng khi nam giới bước vào tuổi dậy thì và sản xuất testosterone (hoóc môn duy trì đặc tính sinh dục của nam giới). Tinh trùng được sản xuất từ tinh hoàn, theo hệ thống ống xuất ở trung thất tinh hoàn qua mào tinh và theo ống dẫn tinh ra ngoài khi xuất tinh. Do vậy, ống dẫn tinh có thể được xem như đường dẫn chính của tinh trùng khi xuất tinh. Thắt ống dẫn tinh chính là ngăn chặn đường ra của tinh trùng. Đây được ghi nhận là một trong những biện pháp kế hoạch hoá gia đình với tỷ lệ thành công trên 95%.
Ống dẫn tinh có một phần ngoài cơ thể đi từ mào tinh hoàn đi vào ống bẹn (phần này nằm trong bìu), đổ vào mặt sau bàng quang và đổ vào hai lỗ ống phóng tinh ở niệu đạo. Dựa vào cấu trúc giải phẫu, bác sĩ có thể gây tắc ống dẫn ở đoạn ngoài cơ thể và trong bìu. Quy trình thắt ống dẫn tinh được thực hiện như sau: Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ khoảng 1 cm ở bìu và cột ống dẫn tinh, sau đó khâu da lại và bệnh nhân có thể xuất viện ngay.
Trong phẫu thuật thắt ống dẫn tinh cần lưu ý tôn trọng mạch máu của ống dẫn tinh bởi hệ thống dẫn tinh có một động mạch đi kèm và chi phối lượng máu của tinh hoàn khoảng 30%. Nếu tổn thương mạch máu sẽ gây tổn thương một phần hiện tượng sinh tinh của tinh hoàn cũng như gây biến chứng tụ máu bìu. Trong thực tế, các bác sĩ ở khoa Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân, đã phải phẫu thuật cấp cứu cho nhiều trường hợp sau khi triệt sản ở các cơ sở y tế tuyến dưới có hiện tượng tụ máu bìu và phải phẫu thuật thoát lưu máu tụ.
Sau khi thắt ống dẫn tinh, tinh trùng vẫn tồn một số lượng trong ống dẫn tinh đoạn xa, túi tinh. Sau khi triệt sản, bệnh nhân vẫn có quan hệ thì tinh trùng cũ vẫn còn và có khả năng có thai ngoài ý muốn. Do vậy, sau khi triệt sản, bệnh nhân quan hệ phải sử dụng bao cao su trong tháng đầu tiên để tránh có thai ngoài ý muốn. Bệnh nhân cần thực hiện tinh dịch đồ hai lần, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần, nếu kết quả tinh dịch đồ không có tinh trùng trong tinh dịch thì có thể ngưng sử dụng bao cao su.
Theo bác sĩ Tiến Dũng, những người có thể triệt sản là bệnh nhân nam đã có đủ số con, bệnh nhân không muốn có con, bệnh nhân không bị rối loạn đông máu và không có yếu tố nguy cơ phẫu thuật. Những nam giới trẻ tuổi và chưa có con là đối tượng chống chỉ định tuyệt đối của phẫu thuật này.
Trước băn khoăn triệt sản có ảnh hưởng đến sức khoẻ nam giới, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết, hoạt động cương cứng của dương vật phụ thuộc hệ thống mạch máu, nội tiết và tâm lý của nam giới. Triệt sản không ảnh hưởng đến hoạt động của dương vật. Người đi triệt sản không trở thành thái giám cũng như gặp những trục trặc trong quan hệ tình dục.
Phẫu thuật thắt ống dẫn tinh không can thiệp vào những hệ thống mạch máu cung cấp cho tinh hoàn cũng như không can thiệp thể hang và niệu đạo. Do đó bệnh nhân vẫn quan hệ tình dục bình thường, phóng tinh bình thường, chỉ khác là khi quan hệ không có tinh trùng thoát ra ngoài.
Thể tích tinh dịch trong một lần xuất tinh của người bình thường là từ 2 đến 4 ml, tuy nhiên tinh dịch không phải là toàn bộ tinh trùng mà thành phần bao gồm: dịch của các tuyến niệu đạo, dịch túi tinh, dịch tiền liệt tuyến. Tinh trùng chỉ chiếm 1/10 thể tích tinh dịch. Khi xuất tinh sau triệt sản, thể tích tinh dịch không thay đổi đáng kể.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, bình thường hoạt động sản xuất tinh trùng vẫn diễn ra liên tục trong tinh hoàn mặc dù người nam có quan hệ hay không. Tinh trùng được sản xuất từ trong tinh hoàn và đi qua mào tinh. Tại mào tinh, tinh trùng sẽ được biệt hoá tại đầu mào tinh và di chuyển dần xuống cuối của mào tinh. Khi quan hệ thì các hoạt động co thắt sẽ giúp tống xuất tinh trùng mào tinh qua ống dẫn tinh và ra ngoài. Nếu thực hiện triệt sản, tinh trùng sẽ không được tống xuất ra ngoài và sẽ tồn đọng tại phần cuối của mào tinh, các tinh trùng sẽ tự tiêu huỷ.
Sau triệt sản, bệnh nhân vẫn có thể có con trở lại nếu được nối lại ống dẫn tinh. Tuy nhiên, đây là một vi phẫu đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo chuyên ngành vi phẫu. Bởi kích thước của ống dẫn tinh có đường kính dài khoảng 1 đến 2 mm, lòng ống dẫn tinh chỉ khoảng 0,5 mm nên việc phục hồi hệ thống dẫn tinh đòi hỏi thực hiện dưới kính hiển vi phẫu thuật và sử dụng chỉ phẫu thuật rất nhỏ để khâu nối. Tỷ lệ thành công khoảng 80%, thời gian từ khi thắt đến khi nối càng ngắn thì tỷ lệ thành công càng cao.
Hoàng Anh