Giáo sư Jim Herbsleb. |
Theo ông này, những khác biệt cơ bản giữa các dự án mã mở thương mại và mã mở thông thường đã dẫn đến việc quan niệm về xúc tiến mã mở không phù hợp với thực tế thị trường. Herbsleb đã nghiên cứu nhiều trường hợp mà trong đó các đơn vị phát triển từ khắp nơi trên thế giới đã phối hợp và cộng tác một cách thành công khi xúc tiến một loại phần mềm nào đó. Tuy nhiên, ông cũng tìm hiểu tại sao mô hình phát triển phân bố rải rác như vậy lại không thể đem lại sự thịnh vượng cho ngành này. Herbsleb phát hiện ra rằng thời gian để phát triển một phần mềm tại nhiều địa điểm khác nhau thường lâu hơn gấp đôi so với tại một địa điểm.
Một trong số lý do giải thích tại sao việc phát triển phần mềm mã mở và tự do (free and open source software - FOSS) ở nhiều địa điểm khác nhau có được những thành công trong thời gian qua là: công việc phát triển thực ra đã được chính người sử dụng thực hiện và quyết định các tính năng. Công việc thiết kế phần mềm do chính người sử dụng nó thực hiện nên họ có thể xây dựng được các chức năng phù hợp với mục đích. Từ đó, khả năng những khiếm khuyết lớn được giảm thiểu, Herbsleb lý giải.
Tuy nhiên, đối với phần mềm thương mại, các nhà phát triển lại hiếm khi là người sử dụng chính sản phẩm đó và tính năng của nó lại do các nhà quản lý dự án quyết định. Những đối tượng này thường có xu hướng để ý đến việc tại sao các doanh nghiệp mua phần mềm. Sau đó họ bắt đầu tiến hành một dự án để đáp ứng cho nhu cầu này, Herbsleb phân tích. Điều đó có nghĩa là phần mềm thương mại có thể được tạo ra mà không cần hoàn toàn đáp ứng đòi hỏi của người sử dụng đầu cuối. Trong khi đó, những người phát triển FOSS thường chính là người sử dụng, vì thế họ tạo ra các tính năng và ứng dụng phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cụ thể của mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những hạn chế của mô hình phát triển FOSS. Bởi vì người dùng phổ thông thường bị bỏ quên khi mà những đối tượng sử dụng khác, có trình độ cao hơn, thường thiết kế các tính năng phần mềm phục vụ riêng cho mục đích của họ chứ không lấy nhu cầu của số đông lên làm đầu.
Nancy Frishberg, chuyên gia thiết kế phần mềm theo định hướng người sử dụng của Sun Microsystems, cho rằng quan niệm Nếu bạn không biết cài đặt một phần mềm thì bạn không xứng đáng được sử dụng nó hiện vẫn tồn tại trong nhiều dự án mã mở. Bổ sung cho ý kiến này, Steve Easterbrook, Giáo sư khoa Tin học của Đại học Toronto (Canada) thì cho rằng sự hạn chế trong việc cho phép người sử dụng đầu cuối khai thác các tính năng là gót chân Achilles của mã mở.
Hơn thế nữa, Frishberg cho rằng quan niệm mã mở hiện nay - ai cũng có thể đóng góp - thường khiến người ta hiểu lầm bởi vì bổ sung vào một dự án mã mở về cơ bản chỉ hạn chế ở mã, gỡ rối (khắc phục lỗi) và nâng cấp. Ngoài ra, cách nói tất cả mọi người thực ra thường ám chỉ những ai thạo kỹ thuật máy tính. Do đó, những cá nhân có óc sáng tạo nhưng không phải là lập trình viên thì không thể đóng góp vào những công việc cụ thể của FOSS.
Khi tham gia thiết kế FOSS, các nhà phát triển tự chọn lựa những phần việc riêng của mình trong khi ở dự án thương mại thì nhà quản lý mới là người phân bổ công việc. Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển FOSS đang làm việc trong một môi trường mà họ là các chuyên gia với động lực làm việc được hình thành từ chính những quyền lợi và mục đích cá nhân. Thêm vào đó, Herbsleb cho rằng các dự án FOSS thường khuyến khích sự thảo luận công khai về các khía cạnh kỹ thuật trong khi các dự án thương mại thì khép cửa đối với sự tham gia của người ngoài.
Chính công ty máy tính hàng đầu thế giới IBM đã ghi nhận sự khác biệt nói trên giữa các dự án FOSS và môi trường phát triển phần mềm thương mại khi họ mã mở hóa nền thiết kế Eclipse tháng 2 năm nay. Paul Buck, Giám đốc phụ trách Eclipse và chiến lược nền Java của Big Blue, cho biết các nhà phát triển Eclipse của họ phải điều chỉnh lại phương thức tư duy, chuyển từ sách lược phát triển phần mềm bản quyền sang sách lược phát triển FOSS.
Thay đổi lớn nhất ở đây là sự minh bạch hóa mã nguồn. Bởi người sử dụng có thể xem và xử lý mã Eclipse nên các nhà phát triển nhận được rất nhiều phản hồi có ích. Theo Buck, trong cơ chế sở hữu trí tuệ, các nhà phát triển chỉ biết cắm đầu vào thiết kế và không có thời gian để đi giải thích ý tưởng của họ cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi Eclipse đã mở thì tự nhiên tất cả bọn họ đều phải tự thích nghi với yếu tố cho-và-nhận trong việc sáng tạo FOSS. Điều đó có nghĩa là hàng ngày họ sẽ phải nghiên cứu và đóng góp nội dung cho các bản tin, cung cấp tài liệu giải thích cho người sử dụng và thực hiện các buổi thuyết minh. Họ cũng phải đánh giá phản hồi của người sử dụng và thẩm định những phần mềm nâng cấp hoặc cải tiến mà người khác đóng góp.
Phan Khương (theo TechWorld)