- Vấn đề của Vinashin được rất nhiều cử tri quan tâm và dự kiến sẽ được trình bày toàn diện trước Quốc hội. Nhưng đến khi thông qua chính thức chương trình kỳ họp thì chỉ được trình bày trong một phần của báo cáo tình hình kinh tế xã hội. Vì sao vậy?
- Trong chương trình của kỳ họp có việc Chính phủ báo cáo tình hình tại Vinashin. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về vấn đề này. Vinashin chỉ là một doanh nghiệp nên phần thảo luận cũng chỉ nằm trong tình hình kinh tế xã hội chung của đất nước.
Không ai hạn chế đại biểu có ý kiến về vấn đề Vinashin. Ảnh: ST |
- Nhưng Vinashin là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, tại sao Quốc hội không dành riêng một buổi thảo luận?
- Quốc hội dành ra 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và các đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu ý kiến trong thời gian đó về các vấn đề mà cử tri quan tâm. Không ai hạn chế đại biểu có ý kiến về vấn đề Vinashin trong 2 buổi thảo luận và chắc chắn sẽ có nhiều người đề cập đến chủ đề này.
- Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng có đề cập đến Vinashin nhưng rất sơ sài và không nói đến trách nhiệm của những tổ chức có liên quan. Vì sao vậy?
- Trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đâu và như thế nào thì sẽ có các cơ quan chức năng làm rõ. Trong khuôn khổ báo cáo, Ủy ban Kinh tế chỉ có thể đề cập đến những vấn đề chung như vậy thôi.
Thực ra thì trong những đợt giám sát trước (từ năm 2008), Quốc hội đã cảnh báo rồi nhưng rồi kiểm tra, xử lý chưa tới nơi, tới chốn dẫn đến việc nợ nần chồng chất cao đến mức không có khả năng thanh toán và đứng trước khả năng phá sản.
- Sự việc ở Vinashin đã được cảnh báo nhưng vẫn để kéo dài mà đến khi xử lý thì hậu quả cũng khá nặng nề, theo ông liệu có sự bao che?
- Vấn đề ở đây là do quản lý chưa chặt chẽ và bản thân doanh nghiệp thì báo cáo sai sự thật, quản lý cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, quy trình ra quyết định đầu tư không chuẩn… Rồi có cả vấn đề bố trí cán bộ trong doanh nghiệp đấy, dẫn đến khó khăn của Vinashin.
- Còn trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước đối với vấn đề Vinashin?
- Các cơ quan quản lý với chức năng là chủ sở hữu đã thực hiện chức năng của mình chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, ở đây có một lý do nữa là không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt. Cũng vì thế, trong quá trình cải cách doanh nghiêp hiện nay, ngoài việc làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu ra, còn phải chỉ ra một cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm chính. Chỉ có vậy, khi doanh nghiệp gặp vấn đề mới có chỗ để quy kết trách nhiệm.
Hoàng Ly