"Tôi cho rằng những đội cứu hộ chó mèo cần thuê một mảnh đất ở xa hẳn khu dân cư để làm trạm nuôi giữ. Một khu chỉ cần có mấy con chó, mèo thôi cũng đã bốc mùi xú uế kinh khủng rồi. Đằng này, nuôi giữ số lượng hàng trăm con thì không ai có thể chịu nổi mùi hôi hám và tiếng kêu sủa ồn ào suốt ngày đêm. Người dân bức xúc, yêu cầu trạm cứu hộ chuyển đi là đúng".
Đó là chia sẻ của độc giả Yêu Lan Rừng trước thực trạng nhiều trạm cứu hộ chó mèo bị xua đuổi. Cố nhịn nhưng không thể chịu nổi, bởi mùi hôi và tiếng sủa inh ỏi từ sáng đến đêm là suy nghĩ chung của nhiều người dân sống gần các trạm cứu hộ chó mèo. Hiện trên cả nước có khoảng 30 trạm cứu hộ, đa phần tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Khó khăn lớn nhất của các trạm này là việc thiếu không gian nuôi nhốt, không đảm bảo đủ kinh phí, nguồn lực. Việc các trạm cứu hộ có mật độ chó mèo lớn lại nằm giữa các các khu dân cư nên khó kiểm soát được về âm thanh và vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Cùng chung tâm trạng khó chịu khi sống gần các trạm cứu hộ chó mèo, bạn đọc Sông Đông êm đềm thừa nhận: "Đề nghị sớm đưa hoạt động cứu hộ động vật vào luật. Mấy cái trang trại kiểu này cần phải xin giấy phép hoạt động, phải có đánh giá tác động môi trường, phải cách khu dân cư ít nhất 500 mét giống như trang trại lợn, gà. Lợi ích của cộng đồng cần phải đặt trên lợi ích của chó mèo"
"Các bạn yêu động vật là điều đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, để nó ảnh hưởng đến những người xung quanh thì không nên. Bạn làm việc thiện mà ảnh hưởng đến cộng đồng, vô tình lại làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó", độc giả Phongnguyentuy nói thêm.
>> 'Khu phố văn hóa tràn ngập chất thải chó, mèo'
Ủng hộ hoạt động của các trạm cứu hộ chó mèo, tuy nhiên bạn đọc Sey cho rằng, cần có cơ chế quản lý phù hợp để đảm bảo không gian sống cho người dân xung quanh: "Việc cứu hộ chó mèo là điều tốt, yêu thương động vật cũng rất tốt, nhưng hoạt động của các trạm cứu hộ hiện nay chưa trọn vẹn. Làm gì cũng phải khéo léo vì chúng ta đang sống trong một cộng đồng, không phải ai cũng thích động vật.
Tôi thấy ở Thái Lan cũng có các nhóm cứu hộ động vật hoạt động nhưng họ mở trạm ở rất xa khu dân cư, nơi có đất rộng, thoải mái để cho chó mèo chơi đùa và chữa trị. Tôi không trách người dân khi phản ứng gay gắt với các trạm cứu hộ chó mèo vì cuộc sống vốn đã nhiều áp lực, đến tối về nhà còn phải nghe tiếng chó sủa, mèo kêu, ảnh hưởng đến giấc ngủ thì ai mà chịu được?".
Trong khi đó, cho rằng không nên để các trạm cứu hộ chó mèo hoạt động tự phát mà cần thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ một cách chuyên nghiệp, độc giả Truong Thi My Linh nếu quan điểm: "Rất mong chính quyền thành lập các trung tâm cứu hộ chó mèo lớn, có cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động cứu hộ vận hành tốt, mà vẫn không ảnh hưởng khu dân cư vì đây là việc làm rất nhân văn".
"Việc cứu hộ động vật nên là của chính quyền, họ sẽ có các cơ quan đoàn thể giúp đỡ về mọi mặt, đảm bảo an toàn, không làm mất vệ sinh, không gây bức xúc cho người dân xung quanh. Chứ một cá nhân không có đủ nguồn lực mở trang trại cứu hộ chó mèo ở xa khu dân cư, thì sao có thể hoạt động có hiệu quả được?", bạn đọc An Hoang Vu kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Thói quen nuôi chó 'kinh dị' của nhiều người Việt
- Những người 'chiều chiều dắt chó cưng ra công viên phóng uế'
- Rọ mõm, dây xích xa xỉ với nhiều người 'yêu chó'
- Chó thả rông xâm chiếm chỗ tập thể dục
- Hàng xóm nuôi chó bắt tôi chịu khổ
- 'Tôi sợ những người chiều hư chó cưng nơi công cộng'