Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình giảng dạy ở các bậc học đã được Bộ nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn cụ thể gửi về các Sở. Đối với giáo dục mầm non, nhiệm vụ chủ đạo là giúp trẻ vui chơi, nhận biết thế giới xung quanh, nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết... Việc dạy chữ là của chương trình lớp 1.
Theo quy định của Bộ, khi vào năm học mới, các trường tiểu học phải tổ chức "tuần làm quen" đối với lớp 1 nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học. Giáo viên cũng bắt đầu dạy trẻ tập viết chữ, đọc, ghép vần, chính tả... Việc dạy tiếng Việt được lồng ghép trong những môn học còn lại như Toán, Tự nhiên và Xã hội.
"Bộ chỉ đạo các trường thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt, tập trung dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để đảm bảo học sinh lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt", Thứ trưởng Hiển cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm học 2013 - 2014 Bộ khuyến khích các trường không chấm điểm cho học sinh lớp 1, tăng cường đánh giá theo hướng động viên, khuyến khích. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ông Hiển cũng nhấn mạnh, phụ huynh không nên quá lo lắng mà chạy đua cho con đi học trước chương trình lớp 1 bởi nội dung giảng dạy mà Bộ hướng dẫn đã mang tính đồng bộ. Việc dạy chữ cho học sinh là nhiệm vụ xuyên suốt của giáo viên trong cả năm học lớp 1.
Còn việc tổ chức tựu trường trước khai giảng một tháng là quyền của từng địa phương, có thể áp dụng ở những vùng miền núi rét mướt hay vùng đồng bằng sông Cửu Long hay có mưa lũ. Học trước để bù chương trình khi thời tiết cực đoan có thể cho học sinh nghỉ học. "Tổ chức dạy thêm và thu tiền phụ huynh là không đúng quy định", Thứ trưởng cho hay.
Trước băn khoăn của nhiều cha mẹ học sinh về việc trẻ không học chữ ở mầm non sẽ bị cô giáo lớp 1 chê trách, ông Hiển thông tin, năm học 2013 - 2014, Bộ khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1, thực hiện đánh giá theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng em, giúp các em cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.
Các giáo viên sẽ tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ các em kịp thời. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Giáo viên phải tâm niệm rằng đánh giá học sinh vì sự tiến bộ của các em, không tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh. Vì vậy cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện, đảm bảo tính công bằng, khách quan và toàn diện", Thứ trưởng nói.
Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi vào Nhật kí đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục. Bên cạnh đó, mỗi học sinh có nhật kí tự đánh giá, ghi lại những gì đã làm được, chưa làm được, những mong muốn của bản thân trong quá trình học tập, sinh hoạt và rèn luyện, những điều muốn nói với các bạn, thầy cô giáo, cha mẹ và người thân.
"Việc đánh giá định kì kết quả học tập của học sinh được tiến hành vào cuối học kì I và cuối năm học bằng bài kiểm tra định kì", Thứ trưởng Hiển cho biết.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, năm học 2013 - 2014 sẽ thanh tra toàn ngành giáo dục. Nhiệm vụ thanh tra được phân quyền về các Sở, Phòng. Các đoàn thanh tra sẽ xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục vi phạm quy định, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ. |
Hoàng Thùy