Xỉ hạt lò cao là một sản phẩm phụ, thu được từ quá trình sản xuất gang thép. Đây là một phụ gia tốt, thân thiện với môi trường đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng để sản xuất xi măng. Do đã được nung trong quá trình luyện thép nên khi sản xuất chỉ cần nghiền xỉ rồi trộn với clinker là ra được xi măng.
Các chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng đang phối hợp với Hiệp hội Xỉ Nhật Bản, Tập đoàn xi măng Taiheiyo (Nhật Bản) và Công ty Xi măng Holcim VN nghiên cứu và ứng dụng xỉ lò cao vào sản xuất xi măng tại VN.
Theo các chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng, họ đã tiến hành các thí nghiệm rồi sản xuất thử tại một số nhà máy xi măng, kết quả cho thấy, ngoài các tính năng kỹ thuật như các sản phẩm xi măng thông thường, xi măng xỉ hạt lò cao có cả những tính năng ưu việt như cường độ dài ngày cao, tỏa nhiệt thấp, có khả năng chống ăn mòn của muối, chống lại phản ứng của alkali...Loại xi măng này thích hợp cho việc sản xuất các sản phẩm bê tông có tuổi thọ cao phục vụ xây dựng các công trình lớn như đập thủy điện, thủy lợi và các công trình hạ tầng ven biển...
Sử dụng xỉ lò cao vào sản xuất xi măng còn giúp tiết kiệm năng lượng điện, giảm thải khí CO2 vào môi trường, tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu vì nó rẻ hơn clinker và hàm lượng làm phụ gia trong xi măng có thể lên đến 70%.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu xi măng trên thị trường VN sẽ còn tăng mạnh trong vòng 10 năm tới, sử dụng xỉ lò cao làm phụ gia sản xuất xi măng thay thế một phần clinker là một giải pháp làm tăng đáng kể sản lượng xi măng mà không cần phải đầu tư thêm nhà máy và trang thiết bị mới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cho biết: "Các nhà xây dựng và sản xuất xi măng đều công nhận những tính năng ưu việt của loại xi măng này. Trên thế giới, đây là một chủng loại xi măng đã được sử dụng ở rất nhiều công trình. Tại VN, loại xi măng này ít được biết đến và chưa được sử dụng nhiều do ngành công nghiệp luyện kim phát triển còn chậm, quy mô nhỏ bé".
Trên thực tế, nguồn xỉ lò cao có thể sử dụng vào sản xuất xi măng ở VN hiện nay mới chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên cung cấp, một năm chỉ có khoảng 50.000-60.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu về phụ gia để sản xuất xi măng của VN lên đến 6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của người VN cũng chưa ủng hộ màu sắc của xi măng xỉ hạt lò cao. Theo ông Nga, trong thời gian tới những hạn chế này sẽ được khắc phục vì ngành công nghiệp luyện kim sẽ phát triển mạnh với quy mô lớn.
Quỳnh Giang