Ngành du lịch Việt đang sở hữu hai bức tranh trái ngược. Một bên là mảng màu tươi sáng với tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia thèm muốn – 30% mỗi năm. Bên kia là màu tối khi nhiều công ty du lịch không dám đưa khách đến một số địa điểm nóng; các nhà điều hành khách sạn phải "vơ bèo gạt tép" để săn nhân sự; cả ngành hàng không 43 năm chỉ có thêm 2 sân bay mới...
Những vấn đề nổi cộm nói trên được nêu ra ra tại phiên thứ nhất của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 5/12. Các khách mời bình luận, đây là lần đầu tiên có một màn thảo luận về du lịch "nóng" đến tận phút cuối, khi hàng loạt chủ đề được chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý mang ra mổ xẻ, thậm chí không thiếu những màn tranh luận ngay tại chỗ.
Có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Diễn đàn Du lịch lần này quy tụ hơn 1.500 khách mời, trong đó hơn 500 khách tham gia phiên một vào chiều 5/12 và hơn 1.000 khách sẽ tham dự phiên hai vào sáng 6/12. Đây đều là những gương mặt nổi bật trong ngành, từ các chuyên gia trong nước, đại diện các tập đoàn lớn nhất về du lịch đến các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài như ông Tony Fernandes – Tổng giám đốc AirAsia, đại diện Tổng cục Du lịch Singapore, Hội đồng du lịch Nam Australia, Hôi đồng du lịch Vương quốc Anh, đại diện cấp cao kênh CNN...
Ngày đầu tiên của Diễn đàn diễn ra trong không khí càng lúc càng nóng khi những số liệu lạc quan được đưa lên đầu phiên và về cuối phiên "lộ" ra nhiều bất cập.
Tăng trưởng 30% mỗi năm nhưng khách đến rồi không trở lại
Trong bài phát biểu đầu chương trình, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu như năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế thì đến năm 2017, con số này tăng lên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Mục tiêu đến năm 2025 tổng thu cả ngành đạt 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo ra 6 triệu việc làm.
"Trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn", ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định. Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Trong khi đó, ông cho rằng Việt Nam sẽ chỉ cần 7 năm để đạt được con số trên.
Còn bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) khẳng định nhiều quốc gia thèm muốn thành tích tăng trưởng khách quốc tế 30% trong 3 năm liền cả Việt Nam, xếp thứ 6 trong Top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới.
Mặt tích cực nhiều, nhưng tiêu cực còn nhiều hơn. Hàng loạt bất cập liên tục được các khách mời, diễn giả nêu ra.
Ngay trong bài tham luận của mình, ông Kenneth Atkinson nhận xét du lịch Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề về tính bền vững. Di sản thiên nhiên Hạ Long đang chịu cảnh ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền. Điểm hút khách du lịch quốc tế Sapa nay không còn đẹp như trước vì xây dựng khắp nơi ảnh hưởng đến cảnh quan. Ngay cả Phú Quốc, được ví như viên ngọc quý của Việt Nam nay cũng không còn đẹp như trước.
Nhân lực ngành du lịch được ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fullbright nêu ra. Trong bài tham luận, ông cho rằng nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt.
Năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch chỉ có 1,23 tỷ USD và tăng lên 22,71 tỷ USD vào năm 2017. Nếu nhìn vào con số thì đây có thể là tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch tạo ra chia cho tổng lao động thì tăng trưởng năng suất khá thấp. Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, chỉ cao hơn lao động phổ thông.
Trong khi thị trường yêu cầu kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo... thì các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... lại đi vào các phân ngành hẹp; thiên về nghiệp vụ.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Dũng - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ ngay câu chuyện thực tiễn tại doanh nghiệp. "Với 60 khách sạn, chúng tôi có tới 16.000 nhân viên. Có thời điểm, chúng tôi mở liền 12 khách sạn, nhu cầu nhân lực rất lớn. Do đó, để tuyển dụng lực lượng lao động là điều vô cùng khó khăn".
Ông cho biết có lúc doanh nghiệp phải "vơ bèo gạt tép" để tìm được nhân sự, phải tự đào tạo nhân lực bằng nguồn nhân sự cao cấp đến từ nhiều khách sạn quốc tế có kinh nghiệm. Theo ông chia sẻ, nhân sự mới ra trường còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu kiên nhẫn, thiếu nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông.
Cơ sở hạ tầng du lịch Việt: 43 năm chỉ có thêm 2 sân bay
Ông Kenneth Atkinson cho biết con số dự đoán 30 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 7, 8 năm tới sẽ chỉ xảy ra nếu Việt Nam sẵn sàng về cơ sở hạ tầng. "Công suất của các sân bay không đủ. Rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải", ông nói.
Là người có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành hàng không, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng nêu lên nhiều thách thức trong cơ sở hạ tầng hàng không, vốn là nút thắt trong thu hút khách du lịch quốc tế.
"Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc , sắp tới thêm một sân bay là Vân Đồn. Các sân bay khác đều được cải tạo từ sân bay quân sự cũ với quy mô hạn chế, khả năng mở rộng thấp. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, tổng công suất 75 triệu khách mỗi năm, chỉ bằng một sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan hay Changi của Singapore", ông nói.
Hiện giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines, ông cho rằng hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. "Việc này cần phải được lưu tâm lưu ý, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch", ông Nam khẳng định.
Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển cũng khiến chính các công ty du lịch lúng túng. Là vị khách mời duy nhất được phát biểu ý kiến cuối chương trình vì phần thảo luận sôi nổi đã chiếm quá nhiều thời gian, ông Hà Minh Đức, Tổng giám đốc một công ty du lịch khiến khán phòng xôn xao khi cho biết hiện không dám đưa khách du lịch đến Sapa vì quá đông, "Việt Nam có tài nguyên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được lượng khách", ông nói.
Tăng phí hay cởi trói visa để thúc đẩy du lịch Việt?
Màn tranh luận cuối chương trình nổ ra khi vị khách mời Hà Minh Đức cho rằng Việt Nam thay vì chạy theo số lượng du khách cần nâng cao chất lượng du lịch, làm thế nào để thu được thêm nhiều tiền trên mỗi khách. "Tôi cho rằng cần thu tiền từ visa, thậm chí tăng phí visa", anh này nói.
Quan điểm trên ngay lập tức bị phản bác bởi Tiến sĩ Lương Hoài Nam. Vốn là người đã nhiều lần nêu quan điểm về vấn đề visa của Việt Nam, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho biết không những không nên tăng phí mà cần phải mở rộng đối tượng miễn visa. Ông cho rằng bất cập của visa không phải là mức phí, mà nó là minh chứng cho độ cởi mở của chính sách du lịch.
"Tôi từng đi nói chuyện với rất nhiều người giàu Mỹ từ triệu phú đến tỷ phú, quảng bá cho du lịch Việt Nam. Thế nhưng họ trả lời nếu Việt Nam tốt như vậy mà phải cần visa để vào", ông kể. Theo ông, cần cởi trói visa vào Việt Nam, nếu muốn thu hút khách nhà giàu nhiều tiền phải giải quyết vấn đề visa.
Chung ý kiến với Tiến sĩ Lương Hoài Nam là ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần HG. Ông cho rằng điều đầu tiên du lịch Việt Nam cần hành động là vấn đề visa. "Điều này đã nói rất nhiều nhưng cách giải quyết rất chậm. Tên miền cấp visa rất phức tạp, nhiều khách nước ngoài không vào được trang web. Thậm chí có lần Tổng lãnh sự Mỹ gặp trực tiếp tôi nói nhiều khách không vào đúng trang của Cục xuất nhập cảnh, thậm chí bị lừa", ông Minh Đức chia sẻ.
Giải pháp số hóa cho ngành du lịch Việt
Để giải quyết những bài toán còn bỏ ngỏ của du lịch Việt, một trong những đề xuất được nhiều người quan tâm tại Diễn đàn du lịch là công nghệ hóa, số hóa.
Bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết trong quá trình nghiên cứu, cố tìm hiểu xem khách du lịch cần gì, bà nhận ra công nghệ đang ảnh hưởng đến hành vi và thói quen của nhiều người.
Theo đó, khách du lịch hiện tại thường sử dụng công nghệ. Trước khi đi đâu, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin qua các nền tảng. Sau đó, họ sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội...58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không...
Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số, thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng Internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số. Chính phủ cần đảm bảo các cơ sở hạ tầng thiết yếu để du khách có trải nghiệm di động mượt mà. Khu vực tư nhân cần đảm bảo là du khách có thể dễ dàng tiếp cận và book các hoạt động, tour, trải nghiệm trên thiết bị di động
Phiên chính thức của Diễn đàn được kỳ vọng sẽ còn sôi nổi trong ngày mai
Tổng kết phiên thảo luận, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định phiên thứ nhất diễn đàn đã đưa ra được nhiều vấn đề quan trọng, các điểm nghẽn của du lịch từ hạ tầng, giao thông, khả năng cạnh tranh, nhân lực...
Ông cho biết các cơ quan chức năng sẽ xem xét từng khuyến nghị, giải pháp cụ thể để cải thiện ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ theo xu hướng số hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành du lịch cũng rất đang được lưu tâm. Xu hướng kỹ thuật số không chỉ dành cho việc cải thiện trải nghiệm du khách mà còn quan trọng đối với quá trình quản lý của cơ quan chức năng.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng phiên thảo luận ngày mai sẽ sôi nổi, hiệu quả hơn nữa, các bên có cơ hội cùng nhau thảo luận các vấn đề tháo gỡ cho ngành du lịch Việt Nam.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF.
ViEF gồm chuỗi diễn đàn chuyên đề: Nông nghiệp, Chính phủ số - Kinh tế số, Thị trường Vốn – Tài chính, Du lịch được tổ chức từ tháng 5/2018. Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF dự kiến diễn ra vào tháng 3/2019.
Với chuyên đề du lịch, diễn đàn có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Công ty TNHH Một thành viên Ivivu.com, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Novaland, Công Ty TNHH Phát Triển Nam Hội An (Hoiana), BIM Land thuộc Tập đoàn BIM Group, Công ty Du lịch Vietravel.
Các đơn vị hỗ trợ truyền thông cho Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 gồm có VTC1, HTV1, Vietnam News, tạp chí Du lịch, tạp chí Tài chính, Công ty TNHH Rich Media và Công ty Cổ phần Đầu tư Bizman.
VnExpress
Xem diễn biến chính