Chiều 29/3, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, việc xây mã số định danh đã được Chính phủ nghiên cứu từ lâu. Về lý thuyết, việc này không quá phức tạp, song để bao quát, khắc phục hiện trạng hiện nay ở Việt Nam thì không đơn giản. Điều tối quan trọng là phải tiến tới xây dựng hệ thống mã chung, vừa là của cá nhân, vừa liên quan tới hàng loạt hệ thống đánh số khác nhằm phục vụ tốt cho quản lý điện tử ở tầm quốc gia.
Theo ông Đam, mã số định danh là để quản lý toàn diện mỗi công dân, từ khi sinh ra với các thông tin cơ bản về sức khỏe, giới tính, nhóm máu đến quá trình trưởng thành, phát sinh các giao dịch dân sự và cho tới khi chết. Áp dụng vào cuộc sống, nó sẽ là cơ sở dữ liệu để dùng chung cho tất cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.
"Vì thế đây là hệ thống phải dùng chung mà tất cả bộ, ngành phải cùng làm, cùng chia sẻ. Có thể có một số việc cụ thể hay do một người phát ngôn cụ thể để dẫn tới sự hiểu lầm là Bộ Công an làm hệ thống mã số riêng, Bộ Tư pháp làm riêng. Nhưng tôi khẳng định, Chính phủ không chỉ đạo như vậy và các bộ cũng không làm như vậy", ông Đam nói.
Theo ông Vũ Đức Đam, việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia liên quan tới mã số định danh sẽ phải do tất cả bộ, ngành liên quan cùng xây dựng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Người phát ngôn của Chính phủ cũng nhấn mạnh, đây là việc rất lớn, không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn nhiều thứ khác. "Chúng ta cần kiên trì làm một cách khoa học. Chính phủ chủ trương không bao giờ cho bất cứ bộ, ngành nào cát cứ về việc này", ông Đam khẳng định.
Trước đó đánh giá về Đề án tổng thể của Bộ Tư pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, nhiều ý kiến cho rằng thiếu khả thi, chồng chéo với một dự án khác của Bộ Công an về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Bộ Công an, với 22 trường dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ đã áp dụng với việc cấp mới chứng minh nhân dân 12 số. Dãy số này đồng thời là mã công dân để ghi vào sổ sách các cơ quan, tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc thu thập dữ liệu là yếu tố tiên quyết, từ đó làm cơ sở cho đầu ra (như chứng minh thư, thẻ công dân...). Vì thế, nếu thu thập được bộ dữ liệu chuẩn thì có thể tiến tới bỏ hộ khẩu.
Đề án của Bộ Tư pháp cũng một phần trên cơ sở dữ liệu của Bộ Công an và với mục tiêu sử dụng mã số định danh để thay thế mọi giấy tờ tùy thân. Việc cấp mã số được đề xuất triển khai từ 2013 đến 2020.
Nguyễn Hưng