Suốt ba năm qua, ngày nào cũng vậy, hàng nghìn lượt người lao động, người dân từ các xã phía tây huyện Bình Sơn khó nhọc lách qua bờ tường, lội mương thoát nước của dự án nhà máy thép Quảng Liên để đến các nhà máy, công trường làm việc.
Hàng ngày, hàng nghìn lượt người lao động lách qua bờ tường chắn, lội bì bõm qua mương thoát nước của dự án nhà máy thép Quảng Liên để đến công trường, nhà máy làm việc. Ảnh: Trí Tín. |
Sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, giờ đây "siêu dự án" này chiếm diện tích đến hơn 700 ha (bao gồm mặt nước cảng biển) ở Khu kinh tế Dung Quất. Dự án chậm triển khai kéo dài suốt 6 năm qua nhưng chủ đầu tư đã làm bờ tường xung quanh, chắn cả tuyến đường chính từ Dốc Sỏi về cảng Dung Quất gây cản trở giao thông cho người dân, buộc doanh nghiệp phải đi đường vòng tốn kém lớn chi phí vận tải.
Lội nước bì bõm lùa đàn bò qua mương thoát nước sâu bên bờ tường chắn của dự án thép Quảng Liên, ông Trần Ngọt ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông bức xúc, bao nhiêu năm rồi hàng trăm ha đất thu hồi của dân bỏ hoang phí, nhà máy chưa triển khai mà đã xây tường cao bít lối đi gây trở ngại lớn cho người dân, người lao động. "Không chỉ xây tường chắn lối đi, nhà đầu tư còn đào mương thoát nước bên cạnh. Mùa nắng thì có thể lội nước qua lại chứ mùa mưa nước lớn chảy ào ào thì đành phải đi đường vòng đến nhà máy, công trường xa xôi, cách trở", ông Ngọt than thở.
Không chỉ người dân, người lao động kêu ca, nhiều doanh nghiệp ở phía Tây Khu kinh tế Dung Quất cũng "khóc ròng" vì chủ đầu tư dự án Quảng Liên xây tường rào chắn đường giao thông. Ông Nguyễn Nị, nguyên chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết, từ ngày nhà đầu tư xây bờ tường ngăn tuyến đường từ Dốc Sỏi đến cảng Dung Quất, các doanh nghiệp gỗ dăm phải tốn kém chi phí vận tải đi đường vòng khá lớn.
"Giờ đây xe gỗ dăm chở về cảng Dung Quất đưa lên tàu xuất khẩu phải tốn thêm hơn 45.600 đồng mỗi chuyến. Mỗi ngày có ít nhất khoảng 500 chuyến xe chở dăm gỗ về cảng phải tốn kém 22,8 triệu đồng (chưa kể chi phí hao hụt phải đi đường vòng xa thêm gần 4km)".
Cọc nhồi nằm ngồn ngang trên mặt bằng mênh mông của dự án thép Quảng Liên bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Trí Tín. |
Theo quy hoạch của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, khi dự án thép Quảng Liên triển khai, các phương tiện vận tải của các doanh nghiệp sẽ lưu thông trên tuyến đường Trì Bình- cảng Dung Quất. Hiện tuyến đường này chưa triển khai nên việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp phía Tây Khu kinh tế này gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tân Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Long- Dung Quất bộc bạch, khi lập dự án đầu tư khách sạn 4 sao ở khu công nghiệp phía Tây, theo quy hoạch cũ, công ty tính toán khả năng tiếp cận các dự án khu công nghiệp phía Đông, cảng Dung Quất gặp nhiều thuận lợi. Thế nhưng bây giờ dự án thép Quảng Liên xây tường chắn ngang tuyến đường từ cảng về Dốc Sỏi, khách hàng phải đi đường xa nên khách sạn Đức Long trở thành "lựa chọn thứ yếu" nên thất thu nhiều.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Tấn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Đông tâm sự, có khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã nhường hơn 220 ha đất cho dự án thép Quảng Liên. Có thực tế là người dân vào sống ở các khu tái định cư không có việc làm, thiếu đất sản xuất. Họ phải bươn chải làm đủ mọi nghề "ai kêu gì làm nấy" để mưu sinh nuôi sống gia đình. Trong khi hàng trăm ha đất của người dân địa phương thì bỏ hoang phí hết năm này đến năm khác vì dự án thép chậm triển khai.
"Nếu tính mỗi năm hai vụ lúa, một mùa khoai lang, trung bình mỗi sào lúa (500 m2) thu hoạch khoảng 500 kg lúa, mỗi sào khoai lang thu khoảng 1 tấn thì gộp lại 7 năm qua không biết mất đi biết bao nhiêu lúa, khoai lang của dân mà kể. Mong sao dự án thép sớm triển khai góp phần giải quyết việc làm cho người dân chứ nguy cơ tái nghèo ở các khu tái định cư là rất cao", ông Lập xót xa.
Lãnh đạo JFE đã chính thức thông báo xin lùi dự án thép Dung Quất đến tháng 7/2014 khởi công (thay vì tháng 7/2013 theo kế hoạch ban đầu mà Tập đoàn này đã ký biên bản ghi nhớ với nhà chức trách Việt Nam). Ít nhất phải mất 4 năm thì giai đoạn 1 của nhà máy mới xây dựng hoàn thành .
Ông Lê Văn Dũng, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, dự án thép Quảng Liên đang trong giai đoạn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng cảng biển. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi thông qua quy hoạch, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tiếp tục trình xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng Hải Việt Nam phê duyệt.
Đến nay, dự án nhà máy thép đã được điều chỉnh có công suất 7 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm chính của nhà máy là thép mỏng, thép sử dụng trong xây dựng, ôtô... Nguyên liệu chính là quặng sắt, chủ yếu nhập từ Austrailia.
Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Dự án khởi công tháng 10/2007, dự án triển khai ì ạch, qua năm lần điều chỉnh quy mô, công suất, thiết kế, đến đầu năm 2012, JFE quyết định liên doanh với E-United xây dựng nhà máy thép giai đoạn đầu 4,5 tỷ USD.
Trí Tín