Rosanne White bị chẩn đoán mắc ung thư cách đây 8 năm và bị mất một bên thận. Sau khi bệnh tái phát 5 năm trước, một bác sĩ chuyên khoa ung thư ở thủ đô Colombo của Sri Lanka đã chỉ định cho White điều trị bằng thuốc Bevacizumab, liệu pháp bà đáp ứng tốt.
White, 58 tuổi, cho biết bà đã được tiêm thuốc điều trị miễn phí như một phần trong hệ thống y tế được chính phủ tài trợ. Phần lớn người dân ở đất nước 22 triệu dân đều phụ thuộc vào hệ thống này.
Tuy nhiên, sau 13 đợt điều trị, White cho biết hiện bà không thể tìm được Bevacizumab ở các bệnh viện công. Loại thuốc này có giá 113.000 rupee Sri Lanka (359 USD) trên thị trường và vì không có bảo hiểm, White đã phải tiêu lạm vào khoản tiền tiết kiệm ít ỏi để mua thuốc.
"Chúng tôi phải gọi trước cho bệnh viện để xác nhận xem có thuốc điều trị hay không. Nhưng phải làm sao khi các y tá nói bệnh viện không có thuốc?", White nói.
Nỗi chật vật của White khi tìm Bevacizumab trong các cơ sở y tế công là dấu hiệu đầu tiên cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sri Lanka sắp sụp đổ trước ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ, không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và đang chờ gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tình trạng thiếu ngoại tệ đã khiến chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu, khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Sri Lanka nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.
Các quan chức chính phủ, bác sĩ và lãnh đạo công đoàn y tế Sri Lanka cho biết họ chưa từng thấy hệ thống y tế nước này trong tình trạng tồi tệ như vậy. Bản thông báo nội bộ của một bệnh viện công tại thủ đô Colombo cho biết các ca phẫu thuật, kể cả cấp cứu, sẽ bị hoãn tới ngày 7/4 vì thiếu vật tư y tế.
Bộ Y tế Sri Lanka chưa phản hồi những câu hỏi về các vấn đề mà ngành này đang phải đối mặt.
Hiệp hội Y khoa Sri Lanka tuần trước gửi thư cho Tổng thống Rajapaksa, cảnh báo nước này có thể phải dừng cả các phương pháp điều trị khẩn cấp trong những ngày tới.
"Điều này có thể khiến rất nhiều người chết", Hiệp hội Y khoa Sri Lanka viết.
Cuối tháng 3, một phụ nữ 70 tuổi được chuyển đến bệnh viện công ở ngoại ô Colombo trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn dẫn tới tụt huyết áp nghiêm trọng. Bác sĩ phụ trách cho biết tiêm albumin là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh.
"Tuy nhiên, thuốc albumin không có sẵn lúc ấy. Có nghĩa là tôi đã mất 5 phút quan trọng. Bệnh nhân đã tử vong", bác sĩ giấu tên chia sẻ.
Theo quan chức Bộ Dược phẩm Sri Lanka Saman Rathnayake, trong số 1.325 loại thuốc mà chính phủ Sri Lanka cung cấp cho các bệnh viện nhà nước, ba loại thuốc điều trị bệnh nghiêm trọng đã hết hoàn toàn và 140 loại thuốc thiết yếu khác cũng thiếu hụt.
"Tình trạng này sẽ không thể chấm dứt trong hai tháng. Cuộc khủng hoảng thiếu USD để nhập khẩu thuốc vẫn tiếp diễn", Rathnayake nói.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm nguồn cung mới từ Ấn Độ có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt dược phẩm ngay lập tức. Một số loại thuốc Sri Lanka đặt mua thông qua hạn mức tín dụng với Ấn Độ, nơi cung cấp 80% nhu cầu dược phẩm của quốc đảo, có thể sẽ được chuyển tới trong 2 tuần nữa.
"Nếu hạn mức tín dụng với Ấn Độ vẫn có hiệu lực, sẽ không có vấn đề gì trong 6 tháng tới", Rathnayake nhận định.
Sri Lanka cũng đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). "Những nguồn cung từ họ sẽ đến sau 6 tháng. Đó là cách chúng tôi lên kế hoạch", Rathnayake chia sẻ.
Lo ngại về nguồn cung y tế, một số nhóm bác sĩ đã kêu gọi người dân quyên góp thuốc. Hiệp hội Bảo vệ Trẻ sơ sinh Sri Lanka đã đề nghị hỗ trợ ống đặt nội khí quản cho trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, do loại vật tư y tế này đang cạn kiệt.
"Chúng tôi gần như đã sử dụng hết số ống đặt nội khí quản và sẽ không còn ống nào trong vài tuần nữa", Saman Kumara, chủ tịch hiệp hội, cho biết trong thư kêu gọi quyên góp đăng trên mạng xã hội.
"Tôi đã hướng dẫn nhân viên không vứt bỏ những ống đặt đã qua sử dụng, mà phải làm sạch và tiệt trùng từ bây giờ vì có thể phải tái sử dụng chúng", Kumara chia sẻ.
Danh sách các thiết bị y tế đã cạn kiệt của một bệnh viện công ở phía nam Colombo có hơn 40 mặt hàng, bao gồm ống thông niệu đạo, kẹp dây rốn và que thử glucose để kiểm tra lượng đường trong máu.
Tại một bệnh viện công ở phía bắc Colombo cuối tuần trước, rất đông người bệnh phải chờ trên băng ghế ở hội trường lớn để đợi tới lượt khám. Một quan chức cho biết bệnh viện này là một trong những cơ sở y tế lớn nhất cả nước, tiếp nhận khoảng 50.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi tháng.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu", quan chức giấu tên này nói. "Nhưng tôi không biết có thể tiếp tục duy trì dịch vụ khám chữa bệnh trong bao lâu."
Ngay từ tháng 8 năm ngoái, khi dấu hiệu khủng hoảng bắt đầu xuất hiện, bệnh viện này đã ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng để dành tiền mua vật tư y tế. Trong những tuần gần đây, sau khi lạm phát tăng vọt ở Sri Lanka, bệnh viện tiếp tục chịu áp lực tài chính khi chi phí vật tư y tế tăng 30-40%.
Quan chức Bộ Dược phẩm Rathnayake cho biết chính phủ Sri Lanka đang nợ khoảng 4 tỷ rupee (12,70 triệu USD) với các nhà cung cấp những mặt hàng y tế như găng tay và thuốc thử để làm xét nghiệm.
Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cuối tuần qua cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là ổn định nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thuốc men. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân hiểm nghèo như White, việc đương đầu với khủng hoảng ngày càng khó khăn hơn. Bà nói rằng thuốc giảm đau morphin giờ đây cũng khan hiếm.
"Con trai tôi hôm trước đi lấy thuốc và phải trở về tay không. Tôi cảm thấy thật bất lực. Tôi thậm chí không đủ sức để đi biểu tình", White nói.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)