Ngày 16/7, Bộ Công an cho biết sau cuộc khám xét, nhận thấy có dấu hiệu tình nghi phạm tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, nhà chức trách đã khởi tố vụ án, nhưng chưa khởi tố bị can.
Trước đó, hôm 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội và Nguyễn Hoàng Trung, 37 tuổi, lái xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Người thứ ba bị khám xét cùng ngày là ông Phạm Quang Dũng, 37 tuổi, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Cơ quan An ninh điều tra thông báo việc khám xét với ba người nhằm phục vụ điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 337 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo luật sư Kiều Anh Vũ, một người bị khám xét không đồng nghĩa với họ bị khởi tố hoặc sắp bị khởi tố. Theo khoản 1 điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc khám xét được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan vụ án.
Trong trường hợp khẩn cấp, công an có thể khám xét trước khi có phê chuẩn của viện kiểm sát nhưng trong thời hạn 24 giờ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan này.