Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 ra tối hậu thư, yêu cầu chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực cho tổng thống Mohammed Bazoum muộn nhất vào đêm 6/8, nếu không sẽ sử dụng mọi biện pháp can thiệp, gồm cả vũ lực. Tuy nhiên, không có bất kỳ dấu hiệu nào về động thái can thiệp của ECOWAS khi hạn chót đã qua.
Trong khi đó, chính quyền quân sự Niger là bên hành động trước, khi tuyên bố đóng cửa không phận từ 6/8. Một nguồn tin thân cận với tổng thống bị lật đổ nói với CBS News rằng ông Bazoum vẫn bị quản thúc tại gia cùng vợ và con trai.
ECOWAS thông báo sẽ họp thượng đỉnh về tình hình Niger tại thủ đô Abuja của Nigeria ngày 10/8. WSJ ngày 6/8 dẫn lời một chỉ huy quân sự cấp cao giấu tên trong ECOWAS nói rằng chưa sẵn sàng can thiệp quân sự Niger vì "cần tăng cường sức mạnh cho các đơn vị trước khi hành động".
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ.
Peter Pham, cựu đặc phái viên Mỹ về khu vực Sahel của Tây Phi và hiện là thành viên tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng ECOWAS ban đầu không nên đưa ra thời hạn một tuần, mà chỉ tối đa 48 tiếng. "Thời hạn đó đã kéo dài thời gian, giúp chính quyền quân sự có cơ hội củng cố khả năng đối phó", ông nói.
Sau cuộc họp của ECOWAS tuần trước, Abdel-Fatau Musah, ủy viên về các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của khối nói rằng lựa chọn can thiệp quân sự là "phương sách cuối cùng", nhưng thêm rằng họ đang chuẩn bị sẵn sàng cho lựa chọn này.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu sẽ muốn tạo dấu ấn và cho thấy ông không phải là người dễ lùi bước trên cả cương vị lãnh đạo đất nước và chủ tịch luân phiên khối ECOWAS, theo các nhà phân tích.
"Công tác chuẩn bị đã được ưu tiên và quân đội đang trong trạng thái sẵn sàng. Theo hiểu biết của tôi, Nigeria sẽ không lùi bước và sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để Niger quay lại chính quyền dân sự", Oluseyi Adetayo, chuyên gia về an ninh và tình báo Nigeria, nói.
Giới quan sát nói ECOWAS có thể đã tự dồn mình vào chân tường với lời đe dọa sử dụng vũ lực. "Bất kỳ hành động nào mà khối thực hiện vào thời điểm này đều mang lại hậu quả. Nếu họ chọn can thiệp quân sự như đã nói, cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực có thể trở nên tồi tệ hơn", Chiamaka Okafor, nhà phân tích của Premium Times, nói.
Từ trước đảo chính, người dân Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã sống trong khó khăn. Với 2/3 đất nước là sa mạc, Niger bị hạn hán nghiêm trọng và có rất ít đất canh tác. Khoảng 4,3 triệu người, tương dương 17% dân số, phải phụ thuộc vào trợ cấp lương thực.
Nigeria sẽ là một trong những nước láng giềng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì có đường biên giới chung dài khoảng 1.600 km với Niger. Người dân ở khu vực biên giới hai nước từ lâu đã xây dựng quan hệ thương mại và xã hội sâu sắc. Có hàng chục nghìn người tị nạn Nigeria ở Niger.
"Can thiệp quân sự có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước đến hòa bình và ổn định của cả hai quốc gia", JNI, hiệp hội các tổ chức Hồi giáo ở Nigeria, cảnh báo.
Tuy nhiên, nếu không can thiệp quân sự, khối có thể bị coi là "hổ giấy" chỉ đưa ra những lời đe dọa suông.
"Việc ECOWAS không thực hiện lời tuyên bố có thể bị coi là bằng chứng cho thấy các nước phải chấp nhận làn sóng đảo chính trong khu vực, đi ngược lại cam kết của họ với nền dân chủ. Điều này có thể dung túng cho quân đội ở các quốc gia khác đảo chính giành chính quyền", Okafor cho hay.
ECOWAS còn các lựa chọn khác như đàm phán và thành lập ủy ban chuyển tiếp quyền lực ở Niger hoặc loại quốc gia này khỏi khối.
"Họ muốn khôi phục quyền lực cho Bazoum nhưng điều đó có vẻ không khả thi. Họ có thể phải thỏa hiệp bằng cách buộc chính quyền quân sự trao trả quyền lực nhưng sẽ không bàn giao chính quyền cho ông Bazoum. Họ thua cuộc và ông Bazoum cũng vậy. Một người trung lập nào đó có thể điều hành chính phủ chuyển tiếp", Adetayo nói.
Tuy nhiên, đàm phán và thành lập ủy ban chuyển tiếp quyền lực cũng có thể bị coi là chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội Niger. Trước đó, 6 cuộc đảo chính đã diễn ra ở 4 quốc gia Tây Phi trong 3 năm qua, gồm Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad. Các nước này đều không bị can thiệp quân sự.
Dù vậy, lựa chọn này có thể giúp loại bỏ khả năng leo thang căng thẳng và giúp tổng thống Bazoum được trả tự do.
Kịch bản mà nhiều chuyên gia lo ngại nhất là Niger và khu vực bị cuốn vào cuộc xung đột toàn diện. Mali và Burkina Faso tuyên bố sẵn sàng đối đầu với bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào ở Niger. Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger Abdourahamane Tiani cũng đã yêu cầu Mali hỗ trợ.
Các nhà phân tích cho rằng Mali và Burkina Faso khó có khả năng điều động lực lượng đáng kể tới Niger, do họ vẫn phải giữ lực lượng trong nước để đối phó với phiến quân cực đoan. Tuy nhiên, lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner đang hoạt động ở Mali và ông trùm Yevgeny Prigozhin đã đề nghị giúp đỡ Niger.
Hôm 27/7, Prigozhin bày tỏ ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger, gọi đây là khoảnh khắc "giải phóng khỏi thực dân phương Tây". Ông gợi ý hàng nghìn thành viên Wagner có thể đến Niger "lập lại trật tự và tiêu diệt những kẻ khủng bố, ngăn chúng làm hại dân thường".
"Không rõ liệu Wagner có thật sự định tham gia vào cuộc khủng hoảng Niger hay không, nhưng chắc chắn đây sẽ là nguy cơ nếu ECOWAS can thiệp vào Niger. Chính quyền quân sự ở Niamey sẽ rất cần hỗ trợ từ bên ngoài", James Barnett, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Mỹ, nói.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại, Folahanmi Aina, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng ECOWAS và các nước thành viên cần cẩn trọng để không khiến tình hình biến thành xung đột lan rộng tới những phần còn lại của Sahel và khu vực Tây Phi.
"Điều đó sẽ gây những hậu quả tai hại cho khu vực và tác động lớn tới an ninh toàn cầu", Aina cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Premium Times, CNN, Al Jazeera, The Conversation)