Cuối tuần trước, Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) Thái Lan tuyên bố đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tài sản cho vua Maha Vajiralongkorn, đồng nghĩa với việc lần đầu tiên mọi tài sản hoàng gia sẽ phải đóng thuế, theo Al Jazeera.
Năm ngoái, lần đầu tiên trong 69 năm, chính phủ do quân đội Thái nắm quyền đã sửa đổi luật sở hữu hoàng gia để giúp vua Vajiralongkorn kiểm soát toàn bộ CPB. Cơ quan này sở hữu nhiều danh mục đầu tư không công khai, do luật bảo vệ hoàng gia. Tuy nhiên, các tài sản đáng chú ý nhất của CPB là bất động sản tại thủ đô Thái Lan, ngân hàng thương mại Siam và tập đoàn vật liệu xây dựng Siam Cement.
Vua Vajiralongkorn được thừa kế tài sản từ vua cha là cố vương Bhumibol Adulyadej, sau khi ông qua đời năm 2016. Cuốn tiểu sử "Vua Bhumibol Adulyadej: Một đời lao động" đã cung cấp cái nhìn rõ hơn về khối tài sản của hoàng gia Thái Lan. Giới quan sát nhận định giá trị khối tài sản do CPB nắm giữ khoảng 30-60 tỷ USD, theo một bài báo năm 2012 của Forbes.
CPB có 40.000 hợp đồng cho thuê đất, trong đó 17.000 ở Bangkok, nơi nhà vua sở hữu hơn 1.300 hecta đất, còn ở các vùng khác là hơn 5.300 hecta. Năm 2000, tổng thu nhập từ bất động sản mang tới khoảng 80 triệu USD cho vua Thái Lan, bao gồm trung tâm thương mại CentralWorld, khách sạn Four Seasons gần đó.
CPB nắm giữ 23% cổ phần ngân hàng thương mại Siam, một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan có vốn hóa thị trường 13 tỷ USD. Cục Tài sản Hoàng gia cũng sở hữu 32% tập đoàn Siam Cement, một công ty vật liệu xây dựng trị giá 12,6 tỷ USD. Ước tính, giá trị cổ phiếu của hai công ty là 7 tỷ USD. Năm 2010, các công ty này đã trả 184 triệu USD tiền lợi tức cho CPB. Thực tế, tổng doanh thu của CPB trung bình đạt 290 triệu USD/năm.
Trong cuốn sách về cố vương Thái Lan không đề cập tới việc CPB cũng nắm giữ phần lớn tập đoàn khách sạn Đức Kempinski AG, công ty bảo hiểm Deves ở Bangkok. Năm 2008, giá trị của những công ty này ước tính 600 triệu USD. Ngay cả khi không tính thêm hai công ty này, CPB vẫn là tập đoàn lớn nhất Thái Lan.
Để so sánh, doanh nhân giàu nhất Thái Lan năm 2012 là Dhanin Charavanont, nhà sáng lập tập đoàn thực phẩm CP giá trị 7,4 tỷ USD. Tài sản của vua Bhumibol lớn hơn nhiều, đó là lý do Forbes xếp ông là quân vương giàu nhất thế giới.
CPB thành lập năm 1938, không thuộc quản lý của cung điện, cũng không phải một cơ quan chính phủ, càng không phải một công ty cá nhân. Nó là một tổ chức đặc thù. Quan trọng nhất, đó là nó không phải đóng thuế kinh doanh cũng như thuế đất. Việc miễn thuế cho CPB được quy định trong luật pháp. CPB không phải tổ chức từ thiện hay cơ quan công, hoặc một quỹ tài sản có chủ quyền. Nó không phải công khai báo cáo thường niên và chỉ có nghĩa vụ trả lời nhà vua về chiến lược đầu tư.
Doanh thu hàng năm của CPB dùng để chi trả cho các hoạt động hoàng gia. Tuy nhiên, tiền đóng thuế của người dân cũng được sử dụng một phần cho hoàng gia. Năm 2011, ngân sách nhà nước chi cho Cục Hộ gia đình Hoàng tộc là 84 triệu USD, một cục khác nhận 15 triệu USD. Nếu tính cả chi phí an ninh, một năm chính phủ chi khoảng 194 triệu USD cho hoàng gia và các cận thần.
So sánh với những hoàng tộc châu Âu khác, ngân sách chính phủ cho chế độ quân chủ lập hiến của Tây Ban Nha tốn 12 triệu USD một năm, hoàng gia Anh gần 50 triệu USD, nhưng hoàng gia Anh chuyển phần lớn thu nhập từ tài sản vào kho bạc. Năm 2011, hoàng gia Anh có thu nhập 358 triệu USD. Người nộp thuế ở Anh có thể dễ dàng tìm hiểu tiền của họ được chi tiêu vào những khoản nào (bảo trì tài sản, tiền quản lý, các chuyến công du nước ngoài...), nhưng ở Thái Lan thì không.
Do đó, theo CPB, việc chuyển toàn bộ tài sản do cơ quan này nắm giữ cho vua Vajiralongkorn nhằm mục đích "minh bạch, dễ công khai giám sát" theo ý muốn của quốc vương.
"Nhà vua yêu cầu trả lại tài sản vì cho rằng các tài sản này cũng phải chịu 'nghĩa vụ và thuế như của bất kỳ công dân Thái Lan nào'", CPB thông báo.