-
14h45
VN-Index tăng điểm ba phiên liên tiếp
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên 27/3 tại 696,06 điểm, tăng 0,27% so vói tham chiếu sau khi giằng co mạnh suốt phiên chiều. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của VN-Index nhưng biên độ đã thu hẹp. Trong khi đó, VN30-Index tiếp tục trái chiều chỉ số chung khi giảm 0,69%, còn 642 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 241 mã giảm, trong khi số mã tăng chỉ 105. Thanh khoản thị trường đạt gần 4.500 tỷ đồng. Điểm tích cực nhất trong phiên hôm nay là khối ngoại giữ trạng thái mua ròng với hơn 20 tỷ đồng.
-
14h40
GDP quý I tăng thấp nhất 11 năm
Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% - thấp hơn kịch bản xấu nhất Bộ Kế hoạch & Đầu tư từng dự báo.
-
14h30
VIC dẫn dắt thị trường
VIC tăng gần 6,2% so với tham chiếu và đóng góp hơn 4,3 điểm cho chỉ số chung. Nếu loại trừ ảnh hưởng của mã này thì VN-Index tiếp tục giảm điểm.
Nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 không còn giữ trạng thái tích cực trước phiên ATC. HDB, MWG và ROS cùng giảm hết biên độ. Nhiều mã khác như EIB, STB, SSI đang giảm trên 5%. Hai cổ phiếu còn lại thuộc họ Vingroup cũng giao dịch dưới tham chiếu.
-
13h45
VN-Index đảo chiều
Lực bán trong rổ VN30 mạnh lên đột ngột khiến thị trường rơi thẳng đứng. Chỉ số đại diện cho rổ này đang mất gần 10 điểm và có dấu hiệu mạnh lên khi số lượng cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu đang áp đảo.
Thanh khoản tăng nhanh nhưng đến từ bên cầm cổ phiếu tác động xấu đến chỉ số chung. VN-Index chuyển sang trạng thái giảm điểm khi mất gần 0,28% so với tham chiếu.
-
13h30
Cổ phiếu Thế Giới Di Động giảm sàn
Gần 20.000 cổ phiếu được khớp tại giá 63.300 đồng khiến MWG giảm hết biên độ và trắng bên mua. Đây là mức thấp nhất của cổ phiếu này trong gần 3 năm qua.
Diễn biến tiêu cực của MWG xuất phát từ việc ban lãnh đạo công ty thông báo tạm thời đóng cửa một số cửa hàng ở Hà Nội. Tuỳ tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, các cửa hàng khác cũng có thể đóng cửa trong thời gian tới. Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tranh thủ tăng thị phần khi các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả và tập trung bán những sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch.
"Cho đến giữa tháng 3, tình hình kinh doanh không có nhiều đột biến", ban lãnh đạo Thế Giới Di Động nói và kỳ vọng doanh thu các tháng tới sẽ tăng trưởng dương với điều kiện dịch bệnh không trầm trọng hơn.
-
13h15
‘Xanh vỏ đỏ lòng’
Thị trường đang có hơn 210 mã giảm nhưng VN-Index vẫn nhích nhẹ vào đầu phiên chiều. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM vượt 702 điểm nhờ sắc xanh áp đảo trong nhóm bluechip. Dòng tiền chưa sẵn sàng tham gia thị trường khi thanh khoản khớp lệnh mới xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
-
11h30
VN-Index dừng phiên sáng trên ngưỡng 700 điểm
Chốt phiên sáng 27/3, VN-Index tăng 7,57 điểm, tương đương 1,09% lên 701,78 điểm. VN30-Index tăng 0,11% lên 647,44 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.
Đến cuối phiên sáng, hai sàn niêm yết giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng, ở mức thấp so với trung bình những phiên gần đây. Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn với 203 mã giảm trên HoSE, còn lại chiều tăng chỉ có 127 mã.
-
11h00
VN-Index tiến gần ngưỡng 700 điểm
Chỉ số đại diện Sở HoSE trở lại sắc xanh vào cuối phiên sáng, tăng gần 4 điểm lên 698,19 điểm. VN30-Index thu hẹp đà giảm còn 0,2%, tiến gần ngưỡng tham chiếu.
Dù chỉ số có xu hướng phục hồi, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn. Sàn HoSE ghi nhận 193 mã giảm, 56 mã đứng tham chiếu và 129 mã tăng. Nhóm VN30 cũng trong tình trạng tương tự với 19 mã giảm và 9 mã tăng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 thu hẹp đà tăng so với đầu phiên sáng. Hợp đồng đáo hạn tháng 4 chỉ còn tăng hơn 4 điểm, lên trên 630 điểm, giữ basis âm gần 15 điểm so với thị trường cơ sở. Các hợp đồng đáo hạn tháng 5 và 6 giữ nhịp thận trọng hơn với basis âm xấp xỉ 20 điểm.
Khối ngoại vẫn giữ trạng thái cân bằng khi lực mua vẫn tham gia tích cực. Đến 11h, nhà đầu tư nước ngoài mua vào và bán ra hơn 10,2 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng gần 10 tỷ đông.
-
10h45
QCG giảm sàn phiên thứ 6
Sau chuỗi 15 phiên tăng trần từ 27/2 đến 18/3, QCG đã quay đầu giảm sàn liên tiếp. Đến 10h45, cổ phiếu này tiếp tục trong cảnh trắng bảng bên mua, giảm sàn phiên thứ 6 liên tiếp, xuống còn 6.170 đồng.
Cùng cảnh với QCG là nhóm cổ phiếu "họ" FLC. HAI, AMD, KLF, ROS giảm tối đa biên độ, với dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu. Những cái tên còn lại trong nhóm này cũng giao dịch kém tích cực. FLC giảm 4,2% về dưới 3.000 đồng, GAB giảm 1,6%.
-
10h05
Khối ngoại tiếp tục mua ròng
Trạng thái giao dịch tích cực của khối ngoại tiếp tục được duy trì trong phiên sáng. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 6,5 triệu cổ phiếu trên HoSE, trong khi bán ra hơn 7,3 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng gần 10 tỷ đồng.
Theo số liệu từ FiinTrade Platform, giá trị mua vào cổ phiếu trên HoSE của nhà đầu tư nước ngoài phiên 26/3 tăng 42% so với trung bình các phiên từ ngày 9/3, trong khi giá trị bán ra giảm 15%. Theo nhóm phân tích dữ liệu FiinTrade, điều này cho thấy sự phân hóa trong dòng vốn của khối ngoại. Bên cạnh hoạt động bán và rút vốn thì vẫn có nhiều tổ chức tái cơ cấu doanh mục và tranh thủ mua vào các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có khả năng chống chọi qua khủng hoảng và định giá lại về gần mức khủng hoảng 12 năm trước đây.
Vì sao khối ngoại không ngừng bán ròng
Chưa dừng bán ròng sau 30 phiên cho thấy đây có thể là một cuộc tháo chạy khỏi cổ phiếu của khối ngoại chứ không chỉ là rút vốn khỏi Việt Nam.