Phiên giao dịch ngày 23/3 đã xác lập phiên bán ròng liên tiếp thứ 30 của khối ngoại trên HoSE, với tổng giá trị bán ròng hơn 8.500 tỷ đồng. Động thái rút vốn khỏi thị trường được đẩy nhanh và dứt khoát từ đầu tháng 3, khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chứng khoán Việt Nam giảm từ vùng đỉnh gần 1.000 điểm cuối tháng 1 xuống còn 660 điểm. Như vậy, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, giá cổ phiếu đã rất rẻ. "Các khuyến nghị cũng nói vậy nhưng khối ngoại vẫn bán ròng. Rõ ràng đây là một làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu chứ không phải chỉ là rút vốn khỏi Việt Nam", ông nói với VnExpress.
Theo chuyên gia này, làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, như Việt Nam, đã có từ đầu năm khi chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh và các quỹ đầu tư lớn cũng chọn thị trường này là nơi đầu tư chính. Nhưng sự dịch chuyển này lại gặp một biến cố ngoài dự báo là Covid-19. "Tiền đầu tư vùng đỉnh càng nhiều, thì thiệt hại càng lớn, dẫn tới sự tháo chạy trên diện rộng, cả từ Mỹ và các thị trường mới nổi", ông Minh nói.
Một yếu tố khác cũng tác động khiến xu hướng này càng mạnh hơn là đồng USD tăng giá quá mạnh. Đồng bạc xanh tăng làm giảm giá trị tiền tệ của các tài sản ở thị trường khác, khiến việc nắm giữ cổ phiếu đã thiệt lại càng thiệt hại hơn.
"Đó cũng là lý do mà gần đây có một xu hướng 'lạ' khi chứng khoán, vàng và trái phiếu cùng giảm. Vì đơn giản là USD đang quá mạnh, mọi người đang tháo chạy khỏi các tài sản để chuyển sang nắm giữ USD", ông Minh nói.
Với biến động tỷ giá tăng mạnh gần đây, chuyên gia từ Yuanta cũng cho rằng xu hướng bán ròng trên thị trường Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. "Rất khó để nói khi nào xu hướng của họ dừng lại vì diễn biến của đại dịch vẫn phức tạp. Chúng ta vẫn chưa thấy đáy", ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm chiến lược thị trường Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng khối ngoại đang phải rút một phần vốn tại những thị trường cận biên và mới nổi để bù vào chứng khoán Mỹ và châu Âu.
"Nếu so sánh mức độ am hiểu về thị trường thì rõ ràng nhà đầu tư nước ngoài vẫn sành sỏi thị trường Mỹ, châu Âu hơn Việt Nam. Trong lúc biến động, vừa tranh thủ cơ hội và tránh rủi ro là một lý do quá hoàn hảo", chuyên gia này nhận định.
Cũng như ông Thế Minh, ông Hiếu thừa nhận khó dự đoán được thời gian đợt bán ròng này kết thúc. "Khối ngoại phải giảm quy mô bán ròng xuống thì vùng đáy mới dần lộ diện. Đó là một quá trình dài, có thể bắt đầu khi có quốc gia công bố kiểm soát được Covid-19 và thị trường bình ổn lại", chuyên gia này nói.
Minh Sơn - Phương Đông