Bài viết Doanh nhân đi kiện đã gãi đúng chỗ ngứa của nhiều người khi khởi kiện con nợ ra toà án, độc giả Vũ Nguyên chia sẻ:
Tôi cũng làm luật sư, hoạt động trong ngành được gần 5 năm. Thú thật đi kiện tụng ở Việt Nam hiện nay là một quá trình đầy rẫy những khó khăn, số tiền thu về được cuối cùng (nếu có) và trừ đi các chi phí thì lại thấp và chưa kể ôm những bực mình, bức xúc trong người.
Thấy những điều chướng tai gai mắt đó tôi quyết định bỏ nghề (mặc dù vợ tôi lải nhải hoài, so sánh nọ kia). Thực ra làm luật sư ở Việt Nam (về tố tụng) thì một là phải giàu sẵn thì làm mới có tâm được, còn không thì rất khó.
Độc giả Phan Văn Chương chia sẻ đã buông xuôi khoản nợ mặc dù đã thắng kiện:
Tôi là một trong những nạn nhân vì tòa xét xử qua loa. Năm 2011 tôi bắt đầu khởi nghiệp với vốn ít ỏi của mình khoảng một tỷ đồng. Sau 4 năm tôi phải đóng cửa công ty khởi nghiệp bé nhỏ với 5-7 nhân viên của mình. Đối tác không trả nợ gần 600 triệu đồng. Gần một năm kiện ra tòa, đương nhiên là thắng kiện, tôi tốn thêm gần 100 triệu cho dịch vụ luật sư. Cuối cùng vẫn không thu được. Đành chấp nhận buông xuôi trong nước mắt.
Độc giả Tongbui Son:
Tôi ngán đến cổ về đòi tiền với hàng chục con dấu của cơ quan chính quyền địa phương (sau này có mấy vị đóng dấu ký tên đi tù) vì tội tham nhũng và vòi tiền doanh nghiệp bị tố cáo là lừa đảo, bởi cứ duyệt thầu mà chưa có tiền rồi lấy phần trăm...
Tôi bị khoản xây dựng công trình từ 1999, đến 2005 kiện đòi, đến 2009 vẫn chưa lấy được một nửa mà mình thì mất hơn một nửa. Có những khoản nợ từ năm 1998, tiền thi công nâng cấp quốc lộ, mà đến nay cũng thôi luôn, khi tỉ giá 7100 đồng/ 1 USD đến 17.500 (2009) vẫn chưa đòi được số tiền một tỷ khi xưa.
Độc giả daovanvan:
Tôi cũng là nạn nhân, tôi bán vật tư cho công ty xây dựng từ năm 2011, họ nợ tiền tôi đòi mãi không được đến năm 2017 nộp hồ sơ lên tòa sơ thẩm. Thuê luật sư mất 20% giá trị đòi nợ và lãi, hồ sơ đầy đủ không thiếu từ hợp đồng; hóa đơn; biên bản giao nhận; đối chiếu công nợ... Vậy mà cuối 2018 tòa mới thụ lý và còn yêu cầu cấp giấy Đăng ký kinh doanh công chứng của bên bị đơn (quá hài hước).
Sau 3 lần gửi công văn yêu cầu xét xử, sau 3 lần hòa giải, hai lần bị đơn vắng mặt; cuối 2019 tòa xử; thắng kiện. Bên thua kiện kháng cáo lên phúc thẩm, sau hai lần tòa triệu tập, họ rút đơn, tòa đình chỉ. Đưa ra thi hành án; kiểm tra lại hồ sơ; tòa sơ thẩm ghi sai số tiền.
Gần một tháng sửa lại ở tòa sơ thẩm; ra thi hành án; kiểm tra hồ sơ, quyết định đình chỉ tòa phúc thẩm ghi sai số bản án sơ thẩm; gần một tháng, tòa phúc thẩm ra quyết định bổ sung.
Hiện tại là hồ sơ đang ở chi cục thi hành án và đã có quyết định thi hành án. Đúng là ơn trời. Công nợ gần 10 năm, lãi gần bằng gốc, chi phí mất các loại là gần 30%, chưa tính đi lại và thời gian của giám đốc doanh nghiệp và thời gian từ ngày cùng luật sư đi nộp đến bây giờ vào 3,5 năm. Và bây giờ quá sợ bởi hợp đồng ký chỉ cho vui, khi cơ quan thuế hỏi có cái đưa ra thôi.
Độc giả Minh triet đưa nhận định:
Sự thật là không riêng gì các doanh nghiệp đâu, tranh chấp dân sự trong người dân cũng vậy thôi, họ rất ngại, nói đúng hơn là không muốn dùng đến công cụ pháp luật, dù họ biết nếu dùng thì họ chắc thắng về lý, nhưng phần thiệt hại thực tế lại cao hơn. Cũng vì vậy mà hoạt động đòi nợ kiểu xã hội đen mới tồn tại và phát triển mạnh như vừa qua.
Lúc trước nhà tôi có cho người ta mượn một số tiền, xong sau đó do làm ăn thua lỗ nên họ chây ì không trả mặc dù có khả năng để trả, bằng tài sản khác. Nói thật là lúc đó cũng chưa biết ra toà là như thế nào, nên cả nhà thống nhất kiện dân sự ra toà.
Nhưng mãi đi đi về hơn hai năm mà vẫn không xong, thế là tôi khuyên gia đình bỏ luôn. Không toà "tiết" gì nữa, mất thêm tiền nộp trước án phí, rồi đi đứng lo giấy tờ, hầu toà các thứ. Đến cuối cùng, tôi rút ra bài học xương máu cho mình là nếu chưa cùng đường, hay cần kíp gấp thì bỏ việc kiện toà qua một bên.
Độc giả Le Huyen Bui:
Hệ thống tư pháp của Singapore được đánh giá là chuẩn mực trên thế giới vì khả năng có thể dự đoán (của doanh nghiệp và người dân), tính minh bạch, độ tin cậy.
Ở ta, tiếc thay, cũng có thể dự đoán, nhưng theo hướng ngược lại: mất tiền không nên đi kiện bởi lẽ sẽ phải đối mặt với những thủ tục lê thê, và nhiều khi là phi lý.
Và nếu có thắng kiện sau hành trình mệt mỏi và tốn kém do nhũng nhiễu và vòi vĩnh, xác xuất thu hồi nợ chưa đến 1/3. Vậy kiện làm gì?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Hữu Nghị tổng hợp