Ủy ban này tập hợp các chuyên gia y tế hàng đầu, một cựu thủ tướng, một người đoạt giải Nobel, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lập ra nhưng hoạt động độc lập và bắt đầu điều tra từ ngày 17/9.
"Chúng tôi sẽ chất vấn về việc liệu WHO và chính phủ các nước có thể phản ứng khác đi như thế nào nếu nắm được những gì chúng ta đang biết về đại dịch", cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng chủ tịch ủy ban điều tra, cho biết.
Các đồng chủ tịch của cuộc điều tra đã chọn thêm 11 thành viên cho ủy ban này, trong đó có chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, cựu đại sứ Mỹ Mark Dybul, cựu bộ trưởng Y tế Ấn Độ Preeti Sudan. Báo cáo điều tra dự kiến được công bố vào tháng 5 năm sau.
Các thành viên ủy ban cho biết họ có toàn quyền truy cập vào các email và tài liệu nội bộ của WHO để kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình điều tra. Tuy nhiên, việc họ có thể xem xét cách phản ứng với đại dịch của các nước tùy thuộc vào mức độ chia sẻ thông tin của từng quốc gia, theo các chuyên gia.
Các chuyên gia y tế toàn cầu nhất trí rằng vai trò của WHO và khả năng phối hợp giữa các quốc gia, tổ chức sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình điều tra. Ngoài ra, các chủ đề dự kiến được ủy ban điều tra độc lập xem xét gồm tác động đối với hệ thống y tế, gánh nặng bệnh tật đối với người nghèo, người da màu và sự lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch.
Tikki Pangestu, cựu giám đốc Chính sách và Hợp tác nghiên cứu của WHO, cho rằng "phạm vi và giới hạn" của cuộc điều tra vẫn đang được xem xét. "Nhưng điều quan trọng nhất, hy vọng rằng một ủy ban độc lập sẽ không thiên vị WHO hay các quốc gia thành viên", ông Pangestu nói.
Adam Kamradt-Scott, phó giáo sư về an ninh y tế toàn cầu tại Đại học Sydney, Australia, cho rằng ủy ban điều tra độc lập nhiều khả năng sẽ không xem xét cụ thể hành động nội bộ của bất kỳ nước nào, vì điều này nằm ngoài phạm vi của một cuộc điều tra quốc tế. Tuy nhiên, ông Adam cho rằng "cách thức một quốc gia hành động nhằm ngăn chặn, kiềm chế hoặc khiến virus lây lan ra toàn cầu" cần được xem xét một cách công bằng.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, cho biết ông "sẽ không ngạc nhiên nếu báo cáo điều tra cuối cùng bao gồm những nhận xét thẳng thắn về phản ứng của WHO, Trung Quốc và Mỹ" đối với đại dịch, song thêm rằng "những chỉ trích sẽ mang tính xây dựng".
213 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 30,3 triệu người nhiễm, hơn 950.000 người chết.
Mai Lâm (Theo SCMP)