"Chúng tôi hoan nghênh cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chúng tôi xem một cuộc điều tra khoa học là bước cần thiết để có sự hiểu biết đầy đủ, minh bạch về cách thức virus lan rộng khắp thế giới", ông Bremberg nói với các phóng viên tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 10/7.
Bremberg cho biết thêm Mỹ mong chính quyền Trung Quốc "sẽ cung cấp cho nhóm các nhà khoa học quyền tiếp cận đầy đủ vào các dữ liệu, mẫu bệnh phẩm và các địa phương, đồng thời mong muốn cuộc điều tra cho kết quả kịp thời". Đây được xem là động thái bất ngờ khi WHO từng vấp phải sự chỉ trích dữ dội của Mỹ về cách ứng phó khủng hoảng Covid-19.
Tuyên bố được Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đưa ra sau khi phát ngôn viên của WHO Margaret Harris ngày 10/7 thông báo một nhóm các chuyên gia về khoa học động vật và dịch tễ học, sẽ làm việc cùng với các nhà khoa học Trung Quốc để xác định phạm vi và quá trình điều tra nguồn gốc Covid-19 tại nước này. WHO cho biết nhóm tiên phong sẽ có mặt ở Bắc Kinh vào cuối tuần này, xác định cách thức nCoV lây lan từ động vật sang người.
Quyết định cử đoàn chuyên gia tới Trung Quốc đã được Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo hồi cuối tháng trước. Tedros cho biết có thể tìm ra biện pháp chống lại nCoV hiệu quả hơn nếu biết mọi thứ về nó, đặc biệt là nguồn gốc.
WHO nhiều lần bị Mỹ cáo buộc "thông đồng" với Trung Quốc, che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại. Song Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước về tình hình dịch.
Tổng thống Mỹ Trump cáo buộc WHO ứng phó thất bại với đại dịch và là "con rối của Trung Quốc". Ông Trump hồi tháng 4 thông báo ngừng cấp ngân sách cho WHO và tuyên bố cắt quan hệ với tổ chức này một tháng sau đó. Mỹ đầu tuần này ấn định ngày rời khỏi tổ chức y tế hàng đầu thế giới.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 12,6 triệu người nhiễm, gần 562.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 136.000 ca tử vong do dịch.
Mai Lâm (Theo AFP)