Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bệnh nhân đái tháo đường và nhiều người bệnh khác đều bị suy giảm sức khỏe sau điều trị Covid-19. Hệ tiêu hóa và các cơ quan hô hấp của người bệnh suy yếu nên dễ mệt mỏi, chán ăn, nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì vậy, người đái tháo đường từng mắc Covid-19 cần chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp để hồi phục sức khỏe.
Theo bác sĩ Hưng, nguyên tắc cơ bản là kiểm soát chất bột đường, tránh tăng đường huyết sau ăn hoặc hạ đường huyết khi xa bữa ăn, ổn định đường huyết trong ngày và cung cấp vừa phải lượng acid béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa.
Hạn chế thức ăn hàm lượng đường cao
Người bệnh nên sử dụng các loại glucid (chất đường bột) phức hợp dưới dạng các loại ngũ cốc nguyên hạt, xay xát dối, các loại hạt, rau và củ; hạn chế các loại đường đơn, đường đôi và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như bánh, kẹo, nước ngọt, nước ép hoa quả... Mọi người cũng cần đảm bảo tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50-60% tổng số năng lượng của suất ăn hoặc trong ngày.
Phối hợp đa dạng các loại thực phẩm
Bữa ăn cần phối hợp đa dạng thức ăn với khoảng 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên trong ngày. Suất ăn nên có tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản và đậu đỗ, đậu phụ... Mọi người nên sử dụng dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối.
Với người mới khỏi bệnh, nên sử dụng protein (chất đạm) có giá trị sinh học cao và cung cấp các acid amin thiết yếu. Các acid amin này sẽ duy trì hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia vào hàng rào bảo vệ, dịch chuyển và hấp thu chất dinh dưỡng. Người bệnh cũng không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: tim, gan, óc, lòng; nên ăn 2-3 bữa cá một tuần, 2-3 quả trứng một tuần và uống thêm sữa chuyên biệt cho người bệnh đái tháo đường từ 1-2 cốc một ngày, đảm bảo năng lượng từ chất đạm chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng suất ăn.
Ưu tiên chất béo chưa bão hòa
Tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp nên chiếm khoảng 20-30% tổng năng lượng suất ăn. Người bệnh nên sử dụng chất béo chưa bão hòa do chúng có lợi cho sức khỏe và giảm chất béo bão hòa vì acid béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch. Hạn chế sử dụng mỡ, bơ, nên ăn các acid béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), đậu nành, hướng dương...
Tăng cường rau củ quả và nước
Khẩu phần ăn của người bệnh sau khi điều trị Covid-19 cần tăng lượng rau quả. Các thực phẩm này chứa nhiều vitamin A, C, D, E... và khoáng chất sắt, kẽm, chất chống oxy hóa giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống virus, vi khuẩn gây bệnh. Rau quả giúp tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400-600 g cho một người trong một ngày.
Theo bác sĩ Hưng, người bệnh Covid-19 thường bị mất nước và chất điện giải do tình trạng sốt, viêm phổi và nhiễm trùng nên cần tăng bù nước giúp cơ thể mau phục hồi.
Chia nhỏ bữa ăn
Người bệnh đái tháo đường nên ăn ít nhất ba bữa một ngày, chỉ nên chia nhiều bữa khi đường huyết không ổn định. Người bệnh đang điều trị bằng Insulin tác dụng chậm hoặc người có nguy cơ bị hạ đường huyết trong đêm, nên cân nhắc ăn thêm bữa phụ trước khi ngủ.
Sau điều trị Covid-19, người bệnh cũng thường có tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng. Do đó, đầu bếp cần chú ý cách chế biến, các món ăn cần chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Mọi người hãy ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng để tránh đầy bụng, khó tiêu; thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ giúp ngon miệng hơn.
Chi Lê