Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đây là dự án có chiều dài cũng như số vốn đầu tư lớn nhất phía Nam và có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội cũng như an ninh quốc phòng của TP HCM, Đồng Nai, Long An và cả khu vực phía Nam.
"Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, nhân dân Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tài trợ vốn vay ưu đãi cho rất nhiều dự án hạ tầng của Việt Nam, trong đó có cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tôi cũng rất cảm ơn Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đồng tài trợ cho dự án này và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ, tài trợ cho Việt Nam đầu tư các dự án khác", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP HCM, Đồng Nai, Long phải thực hiện nghiêm túc việc bàn giao mặt bằng, đúng chính sách đền bù, đúng thời hạn. "Phải tạo điều kiện hỗ trợ để người dân có cuộc sống tốt hơn, song cũng phải hết sức kiên quyết để giao mặt bằng đúng tiến độ", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư), Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án này.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là Dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam và là Dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, với tổng chiều dài hơn 57 km đi qua địa bàn TP HCM, Long An và Đồng Nai. Dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đông Nam Bộ; thu hút đầu tư và du lịch.
Tuyến cao tốc được thiết kế loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Do dự án đi qua nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh dài 2,76 km và cầu Phước Khánh dài 3,18 km. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP HCM, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP HCM - Vũng Tàu.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); Trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Gói thầu J2 được khởi công sáng 19/7 có tổng chiều dài hơn 4,7 km gồm cầu sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ. Giá trúng thầu là hơn 1,4 tỷ Yên và hơn 2.457 tỷ đồng. Thời gian thực hiện gói thầu này là 32 tháng. Liên danh nhà thầu Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4 - Việt Nam) là đơn vị trúng thầu thực hiện gói thầu J2. Đơn vị tư vấn giám sát là liên danh tư vấn KEI-NE-OC-TEDI. |
Hữu Công