Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km đi qua địa bàn các tỉnh Long An (huyện Bến Lức, Cần Giuộc); TP HCM (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch, Long Thành). Dự án bắt đầu tại nút giao giữa đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường Vành đai 3, kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD) vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Như vậy, giá xây dựng 1 km đường của dự án trung bình khoảng 28 triệu USD.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây theo tiêu chuẩn loại A với tốc độ thiết kế 120 km/h và gồm 8 làn xe (giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe). Chủ đầu tư cho hay, số vốn tuyến đường này khá cao vì được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nhất Việt Nam, với 26 km cầu cạn và cầu vượt sông. Hai cây cầu lớn trên tuyến là cầu Bình Khánh dài hơn 3,7 km (vượt sông Soài Rạp) và cầu Phước Khánh (vượt sông Lòng Tàu).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, khi hoàn thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam.
Tuyến đường đồng thời kết nối với cao tốc TP HCM - Vũng Tàu tạo thành một phần tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia), TP HCM đến Vũng Tàu.
Hữu Công