Tổng diện tích mặt sàn của cầu vượt là 655 m2, kinh phí 42 tỷ đồng, do một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư để phục vụ cộng đồng. Dự kiến công trình hoàn thành tháng 5/2023.

Phối cảnh cầu vượt bộ hành qua đường Nguyễn Tất Thành.
Cầu làm theo phong cách kiến trúc Nhật Bản. Lối dẫn lên cầu mô phỏng nút thắt trong nghệ thuật đan dây của người Nhật Bản, thể hiện tình bền chặt của hai nền văn hóa Việt - Nhật.
Hình dáng cây cầu lấy cảm hứng từ những con sóng biển, những đường cong được làm bằng gỗ. Bên ngoài hai đài vọng cảnh có cầu thang xoắn bằng thép và thang máy tạo thuận lợi cho người khuyết tật có thể lên cầu.
Đây là cầu vượt đầu tiên trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành dài gần 13 km và là cầu bộ hành ven biển đầu tiên của Đà Nẵng (tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, Trường Sa dài khoảng 18 km chưa có cầu bộ hành nào).

Phía trên cầu được làm lam gỗ, cầu thang và lối đi cho người khuyết tật.
Ông Odaka Yoshimune, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản), khẳng định cầu vượt không phục vụ riêng cho khu du lịch mà dành cho người dân sử dụng. "Chúng tôi muốn tạo một lối đi qua đường an toàn nhất", ông nói, cho biết khi cầu hoàn thành sẽ được đặt tên phù hợp.
Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, ông Yakabe Yoshinori, đánh giá cầu vượt có thiết kế đẹp và hiện đại. Khi hoàn thành, cầu sẽ được trao tặng cho TP Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. "Tôi hy vọng cây cầu sẽ được người dân yêu mến lâu dài như một biểu tượng của tinh thần hữu nghị giữa hai nước", ông nói.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nói với cây cầu khởi công hôm nay, Đà Nẵng sẽ có thêm một công trình kinh tế - văn hóa trọng điểm cho khu du lịch Xuân Thiều và khu vực tây bắc của thành phố. Ông đề nghị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương để đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ.