Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Giai đoạn một, tuyến đường có vận tốc 80 km/h, hai làn xe, nền đường 17 m đối với đoạn thông thường và 13,5 m với đoạn địa hình phức tạp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 14.330 tỷ đồng, thực hiện 36 tháng. Đây là dự án PPP đầu tiên được áp dụng cơ chế đặc thủ với tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư do địa hình vùng núi, lưu lượng phương tiện thấp. Vốn ngân sách tham gia dự kiến 9.800 tỷ đồng, chiếm 68% tổng mức đầu tư, vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.450 tỷ đồng (chiếm 31%).
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nút thắt lớn nhất của Cao Bằng là giao thông vì hiện chỉ có đường bộ. Nếu không tháo gỡ hạ tầng, tỉnh rất khó phát triển. "Tôi từng 3-4 lần đến Cao Bằng, rất trăn trở với con đường để kết nối kinh tế các tỉnh, để đời sống người dân Lạng Sơn, Cao Bằng thay đổi, đền đáp sự hy sinh của bà con ở chiến khu xưa", ông nói.
Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư xây dựng trung tâm để đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng đông bắc, tiếp tục tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "ba ca bốn kíp", "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, không vượt tổng mức đầu tư. "Đây là chiến dịch Đông Khê năm 2024 và sẽ chiến thắng vào năm 2026", Thủ tướng nói.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từng được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch với chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa hình hiểm trở, suất đầu tư lớn, trong khi lưu lượng thấp, bài toán hoàn vốn khó khăn.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư), cho biết năm 2018 Đèo Cả nhận lời mời của Cao Bằng nghiên cứu dự án. Hướng tiếp cận ban đầu theo quy hoạch gần như bế tắc. Tập đoàn đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi và các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km, tổng đầu tư cả hai giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng. Sau đó, Quốc hội cho phép thí điểm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 70%, tháo gỡ khó khăn về vốn.
Cao Bằng có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333 km, nhưng chưa có đường sắt, sân bay. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hiện có đều hạn chế năng lực lưu thông.
Theo ông Trần Hồng Minh, Bí thư tỉnh Cao Bằng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng của nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tuyến đường hoàn thành sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch liên vùng, liên quốc gia, đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, củng cố quốc phòng - an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa quốc tế.
Đến nay cả nước đã hoàn thành 1.900 km cao tốc, đang xây dựng 1.700 km. Đến năm 2025, dự kiến cả nước có 3.000 km cao tốc và đến 2030 có 5.000 km.