Trong chiều dài toàn tuyến, đoạn qua địa phận Đồng Tháp hơn 16 km, còn lại thuộc Tiền Giang. Công trình có điểm đầu giao cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), điểm cuối nối cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Cao tốc trục ngang thứ hai của miền Tây rộng gần 25 m, 4 làn xe, vận tốc 100 km/h; trong đó giai đoạn một làm rộng 17 m, 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, dự kiến xong cuối năm 2025. Khi hoàn thành, cao tốc đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang bờ bắc sông Tiền, góp phần giảm tải cho quốc lộ 30 hiện hữu.
Công trình cũng kết nối cao tốc bắc - nam phía đông theo trục dọc, gồm: TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Ở phía tây, tuyến nối cao tốc bắc - nam đang hình thành gồm: đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh xác định hạ tầng giao thông là động lực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án trọng điểm thời gian qua đã phát huy hiệu quả cao, giúp địa phương kết nối ba trung tâm lớn là TP HCM, Cần Thơ và Phnom Penh (Campuchia).
Tuần trước, cao tốc trục ngang đầu tiên ở miền Tây là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, đã khởi công.
Ngọc Tài