Tổng thống Pháp Chirac và đồng nhiệm Mỹ Bush tại Evian. |
Trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển ở Evian, hai nhà lãnh đạo đã cùng bắt tay xã giao, ông Bush tặng ông Chirac một bộ ba cuốn sách bìa da nói về văn hoá Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu quan hệ song phương có cải thiện không, không ai trả lời.
Việc Tổng thống Mỹ rời hội nghị sớm một ngày để đi Trung Đông, không tham dự lễ bế mạc, được giới ngoại giao đánh giá là một hành động nhằm sỉ nhục. Một quan chức Pháp cho biết đại diện cho ông Bush ở lễ bế mạc hôm nay sẽ là một chiếc ghế trống.
Trong những ngày tham dự hội nghị ở Evian, vấn đề mà người đứng đầu Nhà Trắng luôn tỏ ra quan tâm là an ninh, bao gồm các biện pháp chống khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân. Kinh tế - lý do chính yếu đưa đến việc tổ chức hội nghị - không phải là trọng tâm các hoạt động của tổng thống Mỹ.
Việc Mỹ bất ngờ đưa ra đề xuất về ngăn chặn vận chuyển vũ khí huỷ diệt trên không, trên biển mà không hề tham vấn trước chủ nhà Pháp được giới phân tích đánh giá là "liều thuốc thử" mức độ sẵn sàng và nỗ lực hàn gắn quan hệ đôi bờ Đại tây Dương. Tuy nhiên, sáng kiến mà ông Bush mang tới đã không được đưa vào tuyên bố chính thức của hội nghị.
Bush rời Evian trước khi các nhà lãnh đạo G8 bàn về những vấn đề mà ông Chirac coi là chương trình ưu tiên của hội nghị - những vấn đề "mềm mỏng" hơn như phát triển bền vững, trợ giúp châu Phi, nợ, viện trợ phát triển và cuộc chiến chống đói nghèo. Trước đó, ông Bush nói rằng Pháp và Mỹ có thể "xây dựng quan hệ mới", dựa trên các mối quan tâm chung như phòng chống AIDS, chống nạn đói...
Ông Bush đã gọi Tổng thống Nga Putin là "bạn tốt" và mời chủ nhân Kremlin tới trại David vào tháng 9 tới. "Chúng tôi sẽ cho thế giới thấy rằng những người bạn có thể bất đồng, có thể vượt qua bất đồng và hợp tác tích cực để duy trì hoà bình", ông Bush nhấn mạnh sau khi tham dự lễ kỷ niệm 300 năm St Petersburg.
Thái độ khác nhau của ông Bush trong từng cuộc gặp cho thấy một kiểu liên minh mới mà trong đó Mỹ luôn dẫn đầu, và chờ đợi sự ủng hộ của các đồng minh, chứ không phải là bàn thảo các vấn đề cùng với đồng minh.
Tại một cuộc họp báo hôm khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo một thế giới đa cực, tránh sự thống trị của một siêu cường, ám chỉ Mỹ. Phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer sau đó phản ứng những lời bình luận của ông Chirac rằng "các đồng minh đối xử với nhau với tư cách đối tác mà không xét đến cực".
Trước cuộc gặp của hai nguyên thủ hôm thứ hai, phát ngôn viên của điện Elysée Catherine Colonna tỏ ý hy vọng chủ đề Iraq sẽ được đề cập. "Chúng tôi không chỉ giải thích quan điểm của mình, mà cả lý do vì sao chúng tôi phản đối chiến tranh. Lập trường đó thể hiện nguyên tắc của chúng tôi. Pháp đang bảo vệ luật pháp quốc tế".
Một quan chức cấp cao của Washington cho rằng độ dài cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo khi gặp nhau hôm chủ nhật không nói lên điều gì. Được hỏi vì sao Bush và Chirac không làm theo truyền thống ở Pháp - những người bạn sẽ hôn má khi gặp nhau, quan chức này cười to: "Nhưng ở Texas họ không làm thế".
T. Huyền (theo Washington Post, FT)