Bà mẹ lớn tuổi dặn dò rất kỹ người con gái đã ở tuổi trung niên rằng không được ghi tên cháu ngoại bà ở mặt sau balô, nơi ai cũng có thể nhìn thấy. Vì như vậy, cháu có thể gặp rủi ro. Bà còn dặn, hãy thận trọng với bất kỳ tấm ảnh nào chứa cảnh đứa trẻ lên xe buýt mà có thể thấy rõ số xe, tuyến đường chúng đi học hàng ngày. Bà than phiền về việc các bà mẹ bây giờ hồn nhiên và sơ hở quá khi đưa hình ảnh trẻ con lên mạng kèm đồng phục trường hoặc check in thời gian, giờ giấc đưa đón con cụ thể rõ ràng. "Thế là cung cấp cho kẻ xấu mọi thứ chúng cần", bà nói.
Những lời dặn dò của bà vô tình lọt vào tai tôi và tôi nghĩ chúng đáng được lắng nghe với sự chú tâm. Đúc kết của bà không mới, chủ yếu là tôi thấy xúc động. Tôi hiểu tác hại của việc lộ thông tin cá nhân trẻ con, hiểu tác động hai mặt của mạng xã hội. Nhiều phụ huynh cũng biết điều đó như tôi, nhưng không phải ai cũng kìm nén được niềm vui khoe con trên mạng để đổi lấy sự an toàn về hình ảnh và thông tin cá nhân cho con cái.
Đã bao lần bạn bắt gặp những dòng cập nhật trên trang cá nhân của bạn bè, từ kỷ niệm ngày con vào lớp một, đăng ảnh tuổi 15 của con, rồi lễ sinh nhật của các bé được tổ chức ở trường này, lớp nọ.
Khi bạn công khai đăng ảnh và thông tin của con lên mạng, có hai hậu quả dễ nhìn thấy. Trước tiên và rõ nhất chính là thông tin bị thu thập cho mục đích tiếp thị, quảng cáo. Phương tiện truyền thông xã hội dường như là một công cụ miễn phí. Nhưng trên thực tế, để có thể sử dụng, người dùng đã "đánh đổi" hay "thanh toán" bằng dữ liệu cá nhân và thông tin tạo nên dữ liệu. Thứ hai, có nhiều khả năng, những bức ảnh bị thao túng và biến thành một thứ khác, phục vụ cho mục đích xấu.
Ví dụ, khi tìm dữ liệu cho một báo cáo của mình, tôi đã rất ám ảnh với chia sẻ của một bà mẹ ở bang Florida, Mỹ. Mọi thứ bắt đầu sau khi ảnh của Kat được mẹ đưa lên một nhóm Facebook gồm toàn bạn bè và người thân. Bức ảnh sau đó bị kẻ xấu đánh cắp để dùng vào việc tạo ra một hình mẫu búp bê tình dục trẻ em giống hệt như Kat và được bán hợp pháp trên Amazon cùng các trang web người lớn khác với giá 599 USD. Người mẹ nói, đó sẽ là nỗi đau và sự day dứt không bao giờ nguôi ngoai với bà.
Báo cáo được công bố mới đây bởi Liên minh toàn cầu WeProtect, do Economist EI thực hiện, cho biết, hiện nay, có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu).
Trẻ em đã luôn có được sự ưu ái của đại gia đình, với những nhận thức sớm, rõ ràng các nguy hiểm có thể gặp phải. Ông bà, cha mẹ thường lập rào lưới bảo vệ. Cửa trước được rào. Ngõ sau được chặn. Để bảo vệ con trẻ khỏi các hiểm nguy, ổ điện, nơi cất dao cũng được bịt kín lại hay dời lên cao. Vậy sao không nghĩ đến những hiểm hoạ từ trên mạng và có các rào chắn bảo vệ tương tự.
Theo tôi có ba vấn đề cần lưu ý để bảo đảm an toàn cho trẻ trên thế giới mạng.
Trước hết là không nên đăng ảnh hay các video tiết lộ rõ đặc điểm nhận dạng, thông tin cá nhân về con trẻ và cẩn trọng với những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy đến. Các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ về lời khuyên bỏ qua việc khoe các cột mốc trong cuộc sống và thành tích của con bạn. Niềm tự hào về con cái nếu được chia sẻ với những người gần gũi, thân quen trong các cuộc gặp mặt trực tiếp, sẽ ý nghĩa và nhận được nhiều đồng cảm hơn là trưng lên mạng với nhiều người lạ.
Mặt khác, phụ huynh nên sử dụng quyền của mình, yêu cầu trường học và các tổ chức khác minh bạch về việc sử dụng dữ liệu do công nghệ của họ thu thập. Nếu không cảm thấy đủ an toàn và tin cậy, bạn có thể từ chối. Điều này áp dụng luôn cho cả khi ghi danh cho con bạn học một khóa ngoại ngữ, hay các lớp năng khiếu. Nhiều vụ để lộ, lọt thông tin học sinh, gây ra những cuộc gọi lừa đảo phụ huynh gần đây cho thấy, dữ liệu của trẻ có thể đã bị mua bán trái phép hoặc bị rò rỉ do các đơn vị nắm giữ không ý thức được tầm quan trọng của bảo mật thông tin cá nhân. Tôi từng ngỡ ngàng khi chứng kiến một trung tâm ngoại ngữ đăng tải công khai danh sách học sinh cùng địa chỉ và số điện thoại liên lạc của bố mẹ trên trang Facebook của họ.
Cuối cùng, xét trên quy mô toàn xã hội, vai trò và sự can thiệp của các ngành chức năng, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan bảo vệ trẻ em là điều rất cần thiết. Từ năm 1998, Mỹ đã ban hành Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng Internet COPPA (Children’s Online Privacy Protection Act). Đạo luật nêu rõ những yêu cầu chi tiết cần có trong chính sách bảo mật của một nhà điều hành trang web, khi nào và làm thế nào để được sự chấp thuận từ cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ...
Tại Việt Nam, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Trẻ em cũng dành một chương về Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nhưng phần nội dung này còn sơ sài: gồm 5 điều, được diễn đạt thiếu cụ thể; chẳng hạn "Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em (khoản 2, điều 35) hoặc "Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" (khoản 3, điều 34).
Với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh của các nền tảng mạng xã hội, các quy định của luật cần được cập nhật đầy đủ và chi tiết hơn, cung cấp hướng dẫn cần thiết đi kèm chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Trẻ em sẽ không thể được bảo vệ tốt trên môi trường mạng nếu người lớn chưa ý thức được đây là một vấn đề hệ trọng.
Nguyễn Thị Hồng Chi