Hải quân Hà Lan ngày 8/7 đăng video tàu Psara, hộ vệ hạm lớp Hydra của Hy Lạp, đánh chặn máy bay không người lái (UAV) tự sát của lực lượng Houthi, khi nó đang cùng tàu phụ trợ đổ bộ đa nhiệm Karel Doorman của Hà Lan làm nhiệm vụ hộ tống một tàu hàng ở Vịnh Aden trước đó một ngày.
Hà Lan và Hy Lạp là hai trong số các nước tham gia Chiến dịch Aspides (Khiên chắn), được Liên minh châu Âu (EU) thành lập hồi tháng 2 nhằm bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tập kích bằng tên lửa, UAV và xuồng tự sát của Houthi.
Video quay bằng camera hồng ngoại cho thấy một UAV, được cho là biến thể của dòng Samad, bay là là mặt biển và liên tục thay đổi độ cao, dường như là chiến thuật nhằm giúp nó khó bị đánh chặn hơn, trước khi bị đạn pháo của tàu Psara bắn nổ.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết chiến hạm nước này đã đối phó các UAV Houthi trong đêm 7/7 bằng pháo hạm và "nhiều hệ thống vũ khí khác nhau", song không đề cập cụ thể. Tài khoản mạng xã hội của Chiến dịch Aspides cho biết tàu Psara đã ứng phó tổng cộng 4 UAV Houthi, hai chiếc bị bắn hạ, số còn lại buộc phải đổi hướng.
Thomas Newdick, chuyên gia quân sự của War Zone, nhận định tàu chiến Hy Lạp đã khai hỏa pháo hạm Mk 45 127 mm để bắn nổ UAV trong video. Với chiếc phi cơ còn lại, có khả năng con tàu đã dùng vũ khí khác để tiêu diệt, theo chuyên gia này.
Ngoài pháo chính Mk 45, tàu Psara còn được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng chứa 16 tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow (ESSM) và một cặp Hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Mk 15 Phalanx 20 mm, đồng thời có thể chở theo trực thăng S-70B Sea Hawk. Hải quân Pháp trước đó từng sử dụng trực thăng để bắn hạ UAV của Houthi ở Biển Đỏ.
Truyền thông Hy Lạp dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tàu Psara đã sử dụng vũ khí phi động năng để hạ một trong hai UAV. Theo nguồn tin, đây là hệ thống chống thiết bị bay không người lái (drone) mang tên Centaur do tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hellenic (HAI) của Hy Lạp phát triển.
Nó đã phát hiện 4 UAV Houthi ở khoảng cách hơn 27 km và hạ một chiếc bằng cách "can thiệp vào hệ thống liên lạc và GPS" của UAV khi quả đạn tới gần hơn, dường như ám chỉ đây là thiết bị tác chiến điện tử. Nguồn tin cho hay chiếc còn lại đã bị pháo hạm trên tàu bắn hạ.
Sử dụng vũ khí phi động năng để đối phó drone là giải pháp thu hút được nhiều quan tâm gần đây. Ngoài công nghệ tác chiến điện tử như Centaur, các nước còn phát triển vũ khí laser hay thiết bị sử dụng sóng vô tuyến, vi sóng để vô hiệu hóa drone.
Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 5 thông báo nước này đang chế tạo khí tài có khả năng phát sóng vô tuyến để hạ bầy drone, với chi phí 0,12 USD cho mỗi phát bắn. Ngoài ra, Anh cũng đang phát triển pháo laser "Lửa Rồng" có thể bắn hạ drone ở khoảng cách một km gần như ngay tức khắc.
Phạm Giang (Theo War Zone)