Cụm từ "quấy rối tình dục" lần đầu tiên xuất hiện trong Bộ luật Lao động 2012 với quy định đây là hành vi nghiêm cấm tại nơi làm việc và người lao động bị quấy rối có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước. Song luật không có định nghĩa cụ thể, chưa bắt buộc người sử dụng lao động có biện pháp ngăn chặn, thiếu văn bản và tài liệu hướng dẫn nhận diện hành vi cũng như chế tại xử phạt khiến khó xử lý hành vi vi phạm.
Năm 2015, Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp VCCI cùng ký kết ban hành. Nội dung liệt kê, nhận diện rõ hành vi và xếp vào ba nhóm: Quấy rối thể chất, phi thể chất và bằng lời nói.
Song bộ quy tắc không phải là văn bản bắt buộc, chỉ mang tính khuyến nghị cơ quan, doanh nghiệp áp dụng bằng việc lồng ghép vào nội quy, quy chế, tạo môt trường làm việc trong sạch; giúp người lao động nhận diện được thế nào là quấy rối để tự bảo vệ.
Hiện chưa có số liệu chính thức về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Năm 2014, khảo sát do Tổ chức ActionAid Việt Nam thực hiện với hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội, TP HCM cho kết quả "nơi làm việc thường xuyên diễn ra hành vi quấy rối". Xếp theo nghề nghiệp, với tần suất từng bị quấy rối 2-5 lần, học sinh, sinh viên chịu nhiều nhất, chiếm khoảng 60,5% số người được khảo sát; công chức nhà nước 59,5%; giúp việc gia đình 57,7%; nhân viên văn phòng 53,7% và công nhân 47,9%.
Mỗi nhóm sẽ gặp phải những hành vi quấy rối tình dục khác nhau. Trong khi 73% học sinh, sinh viên tham gia khảo sát trả lời thường bị huýt sáo trêu ghẹo thì công chức nhà nước lại gặp bình luận về hình thức bên ngoài hoặc về cơ thể. Nhân viên văn phòng chủ yếu bị quấy rối bằng tin nhắn, email, hình ảnh và đôi khi bằng lời nói có mục đích ve vãn, tán tỉnh...
Ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người chắp bút cho bộ quy tắc đầu tiên, cho biết quy tắc ra đời với kỳ vọng những hành vi quấy rối sẽ bị xử lý theo nội quy lao động khi chưa có chế tài pháp luật. Những hành vi này nếu xảy ra thường xuyên, "tích tiểu thành đại" sẽ gây khó chịu cho người lao động, môi trường làm việc ngày càng độc hại.
Theo ông Bốn, các hành vi ở mức nghiêm trọng như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm... đã được pháp luật hình sự điều chỉnh. Song để luật hóa các hành vi thuộc về quấy rối hoặc biểu hiện vượt qua quấy rối nhưng chưa thể xử lý hình sự là rất khó. Trước khi bộ quy tắc ban hành đã có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nghi ngại nói khó đưa vào cuộc sống, chưa kể làm thế nào để diễn giải và chứng minh hành vi của người quấy rối và người kia có đồng thuận hay không.
Song các bên thống nhất ban hành và khuyến nghị áp dụng bộ quy tắc là cần thiết cho môi trường làm việc, góp phần điều chỉnh hành vi của người có ý định quấy rối và nạn nhân cũng nhận thức rõ để tố cáo, tiến tới loại bỏ dần hành vi này. Ngoài hệ thống luật pháp thì quy tắc đạo đức góp phần điều chỉnh hành vi, đồng nghĩa với việc người dân có thể thực hiện cả luật và lệ.
"Có những hành vi ban đầu nhiều người cho rằng không đáng lưu tâm, nhưng nếu không ngăn chặn hoặc lên tiếng thì hậu quả có thể khôn lường", ông nói, nhắc lại vụ nam công chức quấy rối tình dục một nữ đồng nghiệp ở Triệu Phong (Quảng Trị) năm 2018.
Tám năm thực thi Bộ luật Lao động 2012, đến nay vẫn không có văn bản hướng dẫn cụ thể xác định thế nào là quấy rối tình dục và cách xử lý. Nguyên Vụ trưởng Pháp chế lý giải, thời điểm bộ quy tắc ban hành, cơ quan chuyên môn đã tính tới việc sau một thời gian sẽ tổng kết, đánh giá kết quả áp dụng tại các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, lấy ý kiến các bên để cho ra đời một thông tư hướng dẫn riêng. Song năm 2016 cũng là lúc khởi động xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, nên việc ban hành đành gác lại để tập trung vào sửa luật.
Hành vi quấy rối tình dục tiếp tục được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2019 với định nghĩa rõ ràng, quy định cụ thể doanh nghiệp phải ban hành nội quy bằng văn bản và đảm bảo có phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nghị định 145 ra đời năm 2020 hướng dẫn xếp loại hành vi và trao quyền cho doanh nghiệp tự xây dựng nội quy, thủ tục xử lý nội bộ, hình thức kỷ luật với người quấy rối, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thanh kiểm tra thực hiện các chính sách với lao động nữ, đặc biệt là quy định phòng chống quấy rối tình dục.
Theo ông Bốn, cập nhật với liều lượng nhiều hơn song quy định có thể chưa đáp ứng được với những tình huống phát sinh trong thực tiễn và quấy rối vẫn khó nhận diện nên cần tiếp tục đưa bộ quy tắc vào nơi làm việc. Nhưng vì không bắt buộc áp dụng nên thực hiện những quy tắc này hay không tùy thuộc vào nhận thức của người sử dụng lao động. Nhiều người lao động vẫn mơ hồ về hành vi quấy rối, cho đó là hành động bình thường mà không biết người khác khó chịu.
Ông Bốn đề xuất cơ quan chuyên môn thống kê trong các đơn vị, doanh nghiệp; trường học đã xảy ra bao nhiêu vụ liên quan quấy rối tình dục công khai, bị xử lý ra sao; khảo sát xem bao nhiêu doanh nghiệp đã đưa quấy rối tình dục vào nội quy làm việc; lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người lao động về vấn đề này rồi mới ban hành bộ quy tắc cập nhật.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI vừa hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trên cơ sở cập nhật quy tắc hồi năm 2015, dự kiến ban hành trong quý III/2022.
Ban soạn thảo định nghĩa quấy rối tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận; phân chia dưới ba hình thức: Hành vi mang tính thể chất; quấy rối bằng lời nói và phi lời nói.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, luật lao động và các văn bản đã hướng dẫn thi hành chi tiết nhằm phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, song do đặc thù của lĩnh vực, một số vấn đề không được luật quy định cụ thể nên cần có thêm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, giúp các bên xây dựng quy định nội bộ về nhận diện, phòng ngừa và xử lý hành vi này.
Hồng Chiêu