Chiều 30/3, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết số liệu trên được thống kê sơ bộ từ các địa phương, song số người được hỗ trợ có thể còn tăng.
Hai ngày trước, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Theo ông Bình, thủ tục được rút gọn nhất có thể, tối thiểu 11 ngày, song số lao động cần hỗ trợ đông, nhất là các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, tạo sức ép lớn lên chính quyền cấp huyện và Bảo hiểm xã hội địa phương.
Người lao động khi thuê trọ có đăng ký với chủ nhà, đăng ký tạm trú với cảnh sát khu vực nên chỉ cần xác nhận của chủ nhà vào đơn hỗ trợ là được. Khi triển khai, tỉnh, huyện sẽ linh hoạt khâu này. Chính quyền các cấp cùng lực lượng công an sẽ có cách xác minh thông tin và đưa lên cổng dữ liệu quốc gia. Quá trình thực hiện nếu khúc mắc, các bộ ngành sẽ tiếp tục tháo gỡ.
"Chính quyền không dùng danh sách trả lương của doanh nghiệp để xác minh đối tượng thụ hưởng mà cần xác nhận của BHXH vì ngành có sẵn dữ liệu người đóng BHXH, tránh trục lợi, bởi nhiều lao động dù ký hợp đồng lại không tham gia BHXH", ông Bình lý giải thêm.
Quá trình giải ngân gói hỗ trợ này sẽ có nhiều bên cùng tham gia. Bảo hiểm xã hội các địa phương nhận hồ sơ, xác nhận chủ yếu qua giao dịch điện tử, hạn chế tối đa hồ sơ giấy để doanh nghiệp không mất công đi lại. Ngành công an sẽ tích hợp, đối chiếu với cơ sở dữ liệu dân cư để tránh trường hợp một người được hưởng nhiều lần. Tổng Liên đoàn Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh khi xét duyệt, chi tiền cần thông báo với cơ quan này để cấp cơ sở kịp thời giám sát, đảm bảo trong 2 ngày doanh nghiệp chuyển tiền cho lao động.
Gói 6.600 tỷ đồng có mục đích "kéo" lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và đang băn khoăn có hoặc không trở lại thành phố. Sau đợt này, nếu thị trường vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng, Bộ tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cho lao động, doanh nghiệp.
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đã phá vỡ kỳ vọng phục hồi của thị trường lao động. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ còn 50,5 triệu, giảm 0,8 triệu so với năm trước đó. Riêng quý III/2021, lao động có việc làm chỉ đạt hơn 47,3 triệu, xuống sâu nhất trong 10 năm. Hai đợt lao động hồi hương vào tháng 7 và 10/2021 khiến tình hình thiếu hụt lao động thêm trầm trọng.
Hồng Chiêu