Dữ liệu của các nhà nghiên cứu cho thấy mỗi năm có khoảng 900 nam giới trên 18 tuổi phải vào phòng cấp cứu vì "cậu nhỏ" bị mắc kẹt trong khóa quần.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng số liệu từ phòng cấp cứu của 100 bệnh viện tham gia hệ thống y tế điện tử quốc gia giám sát tai nạn thương tích. Họ thấy rằng từ 2002 tới 2010, 100 bệnh viện này đã điều trị cho 2.695 trường hợp chấn thương dương vật, trong đó 523 trường hợp (hơn 1/5) liên quan tới khóa quần.
Theo Minnpost, dựa trên những trường hợp thực tế, các nhà nghiên cứu ước tính các phòng cấp cứu tại Mỹ đã điều trị cho hơn 17.000 trường hợp chấn thương "cậu nhỏ" liên quan đến khóa quần suốt 9 năm qua. Trong các trường hợp đó, hầu hết (khoảng 9.000 ca) liên quan đến trẻ em và teen từ 18 tuổi trở lên. Nam giới trưởng thành có vẻ như có nhiều kinh nghiệm về thương tích này, nên con số thấp hơn, khoảng 8.000 ca.
Thực tế, theo những phát hiện này, khóa kéo là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương dương vật đối với những người phải vào cấp cứu tại bệnh viện vì thương tích này. Với trẻ em thì khác, lý do hay gặp nhất khiến các em bị bầm dập "của quý" là bị nắp bồn cầu ập vào.
May mắn là, khoảng 98% bé trai và nam giới phải đi cấp cứu vì chấn thương vùng kín liên quan tới khóa quần đều không cần nhập viện. Hầu hết các trường hợp này được điều trị tại chỗ (thường là tách khóa ra) rồi được về nhà ngay. Chỉ có hai trong số 523 trường hợp trong nghiên cứu phải phẫu thuật và 11 ca bị nhiễm trùng. Những ca nhiễm trùng do bệnh nhân trì hoãn vào viện sau 2 ngày gặp tai nạn.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, ngoài thân dương vật, một số trường hợp có thể gặp thương tích ở bìu do khóa quần.
Không ngạc nhiên khi chấn thương liên quan đến dây kéo khóa cực kỳ hiếm gặp ở phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên cho con trai mặc quần có khóa cho tới khi trẻ tự tin về khả năng khéo léo để có thể tự xử lý dây khóa và tránh bị thương vùng kín. Nam giới cũng được khuyên nên mặc quần lót vừa vặn, để bảo vệ bộ phận sinh dục khỏi "hàm răng kim loại".
Nghiên cứu trên được đăng tải cuối tuần trước trên tạp chí tiết niệu BJU International.
Vương Linh