Khóa huấn luyện có tên "Tinh thần Tình nguyện 904", được đặt theo mã hiệu an ninh của Vua Maha Vajiralongkorn (Rama X), thành lập hồi năm ngoái và kéo dài từ 15 ngày đến 6 tuần. Đối tượng của khóa học đã mở rộng từ các quan chức trong hoàng gia, binh sĩ, cảnh sát và công chức tới giảng viên và sinh viên đại học.
Theo thông tin trên trang web Hoàng gia Thái Lan, mục tiêu của khóa học 904 là thiết lập một đội ngũ gồm những người có tầm ảnh hưởng nhằm "phát triển và bảo vệ đất nước, cũng như đào tạo những người trung thành với chế độ quân chủ".
Theerapat Prayurasiddhi, thư ký thường trực của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, chịu trách nhiệm điều phối các khóa học 904. Ông cho biết khoảng 3.000 người đã hoàn thành chương trình kể từ tháng 3/2018, nói thêm rằng họ "hoàn toàn tự nguyện" đăng ký.
"Quốc vương có chính sách hoàng gia nhằm tạo ra sự đoàn kết trong nhân dân. Điều này sẽ mang tới niềm hạnh phúc cho họ và một quốc gia an toàn", Theerapat cho hay.

Các quan chức Thái Lan bày tỏ lòng tôn kính với Vua Vajiralongkorn bên ngoài Cung điện Hoàng gia ở Bangkok hôm 28/7. Ảnh: Reuters.
Khóa học 904 được liên kết với tổ chức Mạng lưới Tinh thần Tình nguyện do hoàng gia tài trợ, gồm 6 triệu tình nguyện viên. Việc đào tạo được các quan chức liên quan tới hoàng gia và sĩ quan quân đội quản lý, những nguồn tin từng tham gia khóa học cho biết.
Chương trình đào tạo được tổ chức tại trụ sở ở thủ đô Bangkok của Trung đoàn Bộ binh Thứ nhất, đơn vị gần đây đã chuyển sang nằm dưới quyền chỉ huy cá nhân của Quốc vương.
Các nguồn tin kể lại rằng họ phải dậy từ 5h để tập thể dục nhẹ, sau đó xếp hàng để tiến hành những nghi thức theo kiểu quân đội, trước khi tham gia các lớp học về lịch sử hoàng gia, cũng như cách phục vụ cộng đồng.
"Kỷ luật và một số quy tắc được đặt ra", Sumet Tantivejkul, 80 tuổi, người phụ trách các bài học về cố quốc vương Bhumibol Adulyadej, cha của Vua Vajiralongkorn, cho hay. "Những người tham gia sống cùng nhau, ăn ngủ chung. Người cao tuổi sẽ ở với thanh niên để nhóm người trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm của người lớn hơn và ngược lại".
Sự tôn trọng đối với chế độ quân chủ từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa truyền thống Thái Lan. Tuy nhiên, Vua Vajiralongkorn, người có cuộc đời gắn với binh nghiệp, đang chính thức hóa vấn đề ở mức độ rộng hơn bất kỳ quốc vương nào kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt ở Thái Lan hồi năm 1932.
"Sự tôn kính được xây dựng dựa trên nền tảng quá khứ, nhưng nó trở nên rõ ràng và quyết đoán hơn rất nhiều dưới triều đại Vua Vajiralongkorn", Joshua Kurlantzick, chuyên gia tại nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, nhận định.
Những người tốt nghiệp khóa huấn luyện cho biết ngoài việc đào tạo phục vụ cộng đồng, một trong những bài học trọng tâm của chương trình giải thích rằng chế độ quân chủ là biện pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề của Thái Lan, trong bối cảnh chia rẽ chính trị khiến phe bảo thủ trung thành với quân đội chống lại những người ủng hộ các đảng dân túy.
Sinchai Chaojaroenrat, một học giả độc lập từng viết sách về văn hóa Thái Lan, mô tả khóa học 904 như một phần của "chiến lược kết hợp chế độ quân chủ với mọi cơ quan chính phủ".
Thái Lan trở thành nước quân chủ lập hiến kể từ năm 1932, nhưng vị thế của nhà vua chưa bao giờ suy giảm. Với một số người Thái, quốc vương là vị thần không bao giờ mắc sai lầm. Các nhà phân tích cho rằng sau triều đại kéo dài 7 thập kỷ của vua cha, Vua Vajiralongkorn dường như đang khẳng định quyền lực cá nhân của mình theo nhiều cách.
Hồi tháng 7/2017, hội đồng lập pháp do quân đội chỉ định đã sửa đổi một điều luật vào năm 1936, nhằm trao cho Quốc vương 67 tuổi quyền kiểm soát trọn vẹn đối với Cục Tài sản Hoàng gia (CPB), cơ quan quản lý số tài sản ước tính trị giá hơn 30 tỷ USD. Trước đó, CPB thuộc quản lý của Bộ Tài chính Thái Lan.
Tháng trước, Vua Vajiralongkorn cũng tiếp quản quyền chỉ huy trực tiếp hai đơn vị quân đội tại Bangkok, dựa trên các điều khoản khẩn cấp trong hiến pháp. Kể từ khi Quốc vương nối ngôi năm 2016, hoàng cung đã bổ sung 1.600 cảnh sát để tăng cường an ninh hoàng gia.

Các tình nguyện viên của hoàng gia Thái Lan chuẩn bị tu sửa đền Bình Minh ở Bangkok hôm 14/10. Ảnh: Reuters.
Giới chuyên gia đánh giá khóa học 904 góp phần làm nổi bật cách Vua Vajiralongkorn khẳng định ý chí của mình đối với chính phủ và xã hội Thái Lan.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, các học viên sẽ được công nhận là "Cán bộ Phụng sự Quốc vương" và có nhiệm vụ thúc đẩy chế độ quân chủ. Phunyawee Suwanleela, 38 tuổi, là một trong số những người tự hào vì được trở thành một phần của chương trình.
Suwanleela gần đây đã dẫn dắt nhóm tình nguyện viên của hoàng gia dọn dẹp đền Bình Minh, biểu tượng của Bangkok, sau khi nó lần đầu tiên được đón bức chân dung của Quốc vương.
"Chúng tôi được huấn luyện để truyền bá các thông điệp cho người khác, giúp họ nhận thức rõ hơn và dành tình yêu cho đất nước giống như chúng tôi", Phunyawee cho hay.
Cựu học viên Nattaporn Rathasilapin cho biết những người tốt nghiệp khóa học được chia thành các nhóm 30 người và trao đổi với nhau thông qua các ứng dụng nhắn tin để chia sẻ tiến trình lan tỏa thông điệp của họ. "Nhóm của chúng tôi được giao mục tiêu tiếp cận 8.900 người trong vòng vài tháng", công chức 34 tuổi nói.
Tuy nhiên, một người đàn ông giấu trên trong độ tuổi 40 sống ở ngoại ô Bangkok cảm thấy chương trình có một số khía cạnh quá cứng nhắc, dù ông hết mực trung thành với hoàng gia. Chẳng hạn, ông phải chứng minh được rằng thông điệp của mình đã có sức ảnh hưởng tới các học sinh.
"Phải có vài bức ảnh cho thấy các khán giả của chúng tôi khóc vì lòng biết ơn Quốc vương", ông giải thích, nói thêm rằng những học viên của khóa học 904 được khuyến khích diễn thuyết trước công chúng để chia sẻ kiến thức. "Chúng tôi buộc phải tìm những người được truyền cảm hứng đến mức rơi nước mắt".
Ánh Ngọc (Theo Reuters)