Cả ba lần phát hiện sóng hấp dẫn trước đây đều bắt nguồn từ sự va chạm của các hố đen. J. Craig Wheeler, nhà thiên văn học tại Đại học Texas, Austin, Mỹ, đăng trên trang Twitter hôm 18/8 về khả năng LIGO phát hiện một nguồn phát sóng hấp dẫn hoàn toàn mới, đó là từ vụ va chạm của các sao neutron.
Kính thiên văn Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tiến hành quan sát một cặp sao neutron nằm trong thiên hà NGC 4993, cách Trái Đất 130 triệu năm ánh sáng. Nếu LIGO khảo sát vụ va chạm của hai sao neutron này, nó có thể thu được sóng hấp dẫn mà chúng ta đang tìm kiếm, theo New Scientist.
Sao neutron có những nét tương đồng với hố đen vì chúng đều hình thành từ phần còn lại của ngôi sao phát nổ. Nhưng sao neutron có khối lượng nhỏ hơn và không bị co lại vào một điểm vô cùng nhỏ như hố đen. Sao neutron là một trong những thiên thể có mật độ đậm đặc nhất trong vũ trụ.
Sao neutron khi va chạm với nhau tạo ra các tín hiệu giống như hố đen va chạm, nhưng chúng yếu hơn và khó bị phát hiện hơn. LIGO từ lâu đã tìm kiếm tín hiệu sóng hấp dẫn từ sao neutron, nhưng vẫn chưa thành công cho đến bây giờ.
Năm 2016, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên phát hiện ra sóng hấp dẫn nhờ sử dụng Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa (LIGO), theo Popular Mechanics. Đây là những gợn sóng trong không gian và thời gian được tạo ra bởi sự sáp nhập của hai hố đen cách Trái Đất 1,3 tỷ năm ánh sáng. Tính đến nay, các nhà khoa học mới chỉ ghi nhận thêm ba lần tín hiệu sóng hấp dẫn.
Lê Hùng