Independent hôm 8/9 đưa tin, các nhà khảo cổ học phát hiện đường hầm bí mật có nguồn gốc từ 2300 năm trước của người Hittites ở trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ, khi khai quật một nơi thờ tự bên trong khu định cư cổ đại Alacahoyuk.
"Đây là phát hiện lớn về kiến trúc của người Hittites. Trong 55 năm làm chuyên gia khảo cổ, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tìm thấy một đường hầm nhưng giờ tôi đã làm được", Aykut Cinaroglu, giáo sư trường Đại học Ankara, trưởng nhóm khai quật, trả lời trang Hurriyet Daily News.
Alacahoyuk là thủ đô tôn giáo của người Hittites, một dân tộc sống ở vùng Anatolia (Tiểu Á) cổ đại vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên. Thủ đô trước đó của họ là Hattusha, khu di tích khảo cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
"Đường hầm thường được xây dựng dưới thành trì và kéo dài vào trong thành phố. Tôi tin là vẫn còn những đường hầm khác trong khu vực. Chúng tôi đã đào được 23 m nhưng tôi cho rằng đường hầm bí mật còn dài hơn thế. Nó có thể mang một chức năng thiêng liêng", Cinaroglu nhận định.
Xem thêm: Na Uy tính xây đường hầm giao thông lơ lửng dưới nước
Hiền Anh