Xây dựng cộng đồng công nghệ địa phương (Làng Maker) với các bộ kit all-in-one

Xây dựng cộng đồng công nghệ địa phương (Làng Maker) với các bộ kit all-in-one

Cá nhân: Hạ Phan

LĨNH VỰC CôNG NGHệ

Mô tả sản phẩm

Giới thiệu sản phẩm:

Làng Maker là cộng đồng quy tụ các cá nhân ở mọi độ tuổi, đến từ mọi vùng miền có niềm yêu thích công nghệ. Đây là sáng kiến của Maker Việt có trụ sở tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng các làng Maker địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa để dù ở đâu cũng có thể được hỗ trợ thực hiện các hoạt động học tập, thực hành công nghệ cho học sinh bản địa. Để thực hiện được mục tiêu đó, Maker Việt xây dựng các bộ kit All-in-one về IoT, robotics để các thầy cô, các bạn học sinh Việt Nam có thể dễ dàng học tập và chế tạo các sản phẩm mong muốn.

Tính năng cơ bản:

Hiện nay trên thị trường đã có nhiều giải pháp tương tự nhưng có giá thành đắt vì được nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc nếu được xây dựng trong nước thì thiếu kinh nghiệm và nguồn lực phát triển để phù hợp với từng nhu cầu của mỗi địa phương trong từng hoạt động và bắt kịp các xu hướng trên thế giới. Là một tổ chức về công nghệ được xây dựng từ 2016, cùng một đội ngũ có kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi robotics và các hoạt động STEM tại các địa phương, Maker Việt đang từng ngày phát triển các sản phẩm của mình để đảm bảo tính mới, tính linh hoạt và tính tích hợp để phù hợp với việc giảng dạy, học tập và thực hành cho mọi đối tượng học sinh tại Việt Nam. 2 bộ kit của Maker Việt bao gồm các tính năng cơ bản sau: - ABC Maker: + Thiết bị trung tâm điều khiển các thiết bị khác trong hệ sinh thái IoT + Đèn LED RGB lập trình được với 16 triệu màu + Mắt đọc học lệnh điều khiển hồng ngoại + Mắt phát hồng ngoại điều khiển thiết bị trong nhà + Phát âm thanh qua loa + Rơ le bật tắt thiết bị điện dân dụng + Tích hợp mạch điều khiển 4 động cơ DC và 4 động cơ servo + Tích hợp điều khiển từ xa - VIA: + Thiết bị trung tâm điều khiển các thiết bị khác trong hệ sinh thái robotics, xe tự hành + Kết nối với các module cảm biến đi kèm như IMU, cảm biến tiệm cận, cảm biến màu, công tắc hành trình… + Tích hợp mạch động lực và điều khiển 4 động cơ DC và 4 động cơ servo + Tích hợp điều khiển từ xa + Tích hợp module xử lý ảnh AI Ngoài ra, cả 2 bộ kit còn có các đặc điểm: - All-in-one: bao gồm các thành phần cần thiết để tạo nên một sản phẩm công nghệ; - Dễ dàng sử dụng: người dùng chỉ cần sạc pin, kết nối bằng các dây có sẵn với các module mở rộng nếu cần và lập trình theo bộ hướng dẫn sử dụng; - Có thể mở rộng, nâng cấp: các bộ kit được xây dựng theo hướng mở để có thể thay đổi theo từng nhu cầu của các thầy cô, học sinh cũng như yêu cầu từ các hoạt động, cuộc thi và có thể cập nhật được các xu hướng công nghệ mới trên thế giới; - Bao gồm các bài học phong phú, đơn giản và dễ tiếp cận: Maker Việt đã xây dựng một khung chương trình gồm các bài giảng, video và tài liệu của từng bộ kit để phù hợp cho việc giảng dạy và học tập lập trình, IoT hay robotics tại Việt Nam; - Có một cộng đồng phát triển có kinh nghiệm về công nghệ và giáo dục công nghệ cùng hệ người dùng từ các hoạt động và cuộc thi đã triển khai.

Xuất xứ sản phẩm:

Maker Việt

Mô tả cơ bản:

Hiện tại Maker Việt đang xây dựng 2 bộ kit là ABC Maker và VIA.

  • ABC Maker, giống như tên gọi, như một bảng chữ cái về công nghệ giúp các bạn học sinh trải nghiệm thực hành IoT một cách đơn giản nhất. Bộ kit và chương trình được phát triển phù hợp với các bạn nhỏ độ tuổi từ 8-15 tại Việt Nam. ABC Maker được Maker Việt thiết kế với các module nguồn, cảm biến, nút bấm, đèn LED và mạch động lực tích hợp trong cùng một khối hình vuông nhỏ gọn kích thước 7x7x2cm cùng nhiều bài học theo phong cách HoC (Hours of Code). Nhờ vậy bộ kit dễ dàng được mang đi và triển khai đến nhiều đối tượng học sinh, dù ở đồng bằng hay miền núi, nông thôn hay hải đảo. Ngôn ngữ lập trình của ABC Maker được xây dựng trên nền tảng dạy lập trình cho trẻ em Scratch nổi tiếng thế giới. Các bài học lập trình SmartHome, đèn tự bật tắt theo môi trường là một ví dụ điển hình.
  • VIA là bộ mạch được xây dựng dựa trên nhu cầu chế tạo sản phẩm và tổ chức các cuộc thi robot, xe tự hành nhằm phát triển phong trào công nghệ tại các địa phương. VIA đã được tích hợp sẵn các khối nguồn, khối động lực, khối điều khiển cũng như các khối giao tiếp với những cảm biến quen thuộc như IMU, cảm biến tiệm cận, công tắc hành trình. Ngoài ra, Maker Việt cũng xây dựng một bộ kit gồm các nguyên vật liệu để các bạn học sinh từ đó, kết hợp cùng VIA tạo nên những sản phẩm robot tùy thích.

Yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai ứng dụng sản phẩm:

Yêu cầu về cơ sở hạ tầng đơn giản, chỉ cần nguồn sạc pin và máy tính để lập trình. Các module mở rộng, các bộ dây kết nối và nguyên vật liệu khác đã có sẵn và được thay đổi tùy biến theo nhu cầu sử dụng.

Sản phẩm được phát triển trong khoảng thời gian:

Số người tham gia làm: 8

Sản phẩm có mặt trên thị trường hoặc đưa vào ứng dụng rộng rãi trong khoảng thời gian: Trên 3 năm

Phạm vi thị trường và ngành ứng dụng:

Giáo dục: đưa vào dạy học cho các bạn trẻ, định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng, đam mê yêu thích công nghệ, IoT, tạo cơ hội kết nối các bạn trẻ có cùng sở thích với nhau, tạo ra sân chơi cởi mở, năng động và sáng tạo. Đồng thời, giáo viên cũng có thể giảng dạy chuyên sâu và dễ dàng hơn.

Tiêu chí tự đánh giá sản phẩm ý tưởng dự thi

Tính sáng tạo, đổi mới và công nghệ:

- Bộ kit all-in-one đã và đang được tạo ra từ những người có kinh nghiệm, đã đi làm trong ngành IoT, robotics - Chi phí tối ưu (khoảng 500.000vnđ bao gồm mạch và động cơ, dây nối, khung cơ khí…) đã có được một bộ kit có thể thoải mái sáng tạo, không chỉ làm robot mà có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác như nhà thông minh, xe tự hành… - Có thể thay đổi thiết kế để phù hợp nhu cầu từng địa phương, trường học, hoạt động - Tạo sân chơi, môi trường giúp cho các bạn trẻ được tự do học hỏi, trải nghiệm, khám phá và tiếp xúc với các công nghệ mới nhất

Tính ứng dụng:

- Bên cạnh bộ kit còn là những tài liệu được viết bài bản, các khóa đào tạo, hướng dẫn và sự support nhiệt tình từ đội ngũ Maker Việt - Tạo nhiều trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực như robotics, điện tử IoT, tự động hóa, AI… giúp các bạn trẻ có cơ hội được học hỏi, trải nghiệm, từ đó có thêm kiến thức, kĩ năng, hiểu rõ hơn về các ngành nghề công nghệ hiện tại, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp sau này - Đặc biệt, với những bạn nhỏ vùng sâu vùng xa còn khó khăn, không được tiếp cận nhiều về công nghệ, đây sẽ là giải pháp giúp các bạn hiểu hơn về công nghệ, bồi dưỡng sự yêu thích và định hướng sớm nghề nghiệp cho bản thân

Tính hiệu quả:

- Hiện các bộ kit đã được VinUni áp dụng đưa vào dạy học, đưa vào các cuộc thi robotics như: Vietnam STEAM Challenge, Vietnam Robotics Challenge… tạo ra các sân chơi năng động cho các bạn trẻ thỏa sức trải nghiệm và hết mình với đam mê; - Bộ kit cũng đã được đem đi các địa phương thông qua các tour trải nghiệm Mobile Maker tại Hà Giang, Lạng Sơn, Quy Nhơn… và được các bạn nhỏ đón nhận. Trong quá trình trải nghiệm, không ít bạn đã hiểu hơn về IoT, tự động hóa… và cũng thắp sáng đam mê cho nhiều phụ huynh, học sinh, tạo động lực cho các trường học mở các lớp dạy về công nghệ, thành lập câu lạc bộ về công nghệ…; - Đặc biệt, VIA đã được đưa vào để tổ chức 2 cuộc thi lớn là Vietnam Robotics Challenge và Vietnam STEAM Challenge thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các bạn học sinh trên cả nước. Hiệu ứng tạo ra là sau các cuộc thi, rất rất nhiều các câu lạc bộ của các trường đã được thành lập, tổ chức thêm những hoạt động, sự kiện về công nghệ, kết nối với nhiều bạn trẻ hơn như cuộc thi xe tự hành được tổ chức bởi Làng Maker Hải Phòng.

Tiềm năng phát triển:

Xây dựng các làng Maker tại địa phương không chỉ hướng đến các bạn trẻ, mà còn tạo sự kết nối giữa những người yêu công nghệ, có niềm đam mê và nhiệt huyết với khoa học - kỹ thuật, từ đó tạo ra thêm nhiều giá trị cho cộng đồng: - Có thêm cơ hội cho các bạn trẻ, thậm chí là từ bé được tiếp xúc công nghệ, được học và định hướng nghề nghiệp; - Tăng khả năng có thêm nhiều giải pháp, nghiên cứu công nghệ đột phá; - Đưa công nghệ trở nên phổ biến hơn ở những nơi còn chưa được tiếp xúc như vùng sâu vùng xa, những nơi còn khó khăn, trang bị cơ sở vật chất còn chưa tốt; - Với chi phí tối ưu, tận dụng những nguồn lực sẵn có, càng kết nối với nhiều địa phương, càng có thêm nhiều bạn trẻ, có thể còn có cả những người đã đi làm, có nhiều năm kinh nghiệm cùng đóng góp, hoàn thiện và đưa IoT, Robotics, AI, công nghệ nói chung đến gần hơn với nhiều người, ngày càng nâng cao chất lượng và thắp sáng ngọn lửa đam mê, định hướng cho những bạn nhỏ còn “lạc lối”. Hiện tại Bộ Giáo dục đang có đề án xây dựng các lab STEM tại mỗi trường học. Các bộ kit này có thể là một công cụ phù hợp để thực hành với sự tích hợp các thành phần của một hệ thống như cảm biến, nguồn, mạch động lực, mạch điều khiển...; giá thành rẻ và đặc biệt có thể điều chỉnh chức năng của bộ kit theo nhu cầu, mong muốn của các thầy cô, học sinh.

Tài liệu mô tả kỹ thuật cơ bản và hướng dẫn sử dụng sản phẩm:

https://drive.google.com/file/d/1WzLqapF4mbQcmNjdW3TuRm0-FUFEg3Sg/view?usp=share_link