Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 do phía Nga xây dựng. Ảnh: Tiến Dũng. |
Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Khoa học hạt nhân cho biết, trung tâm sẽ là cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại phục vụ cho các lĩnh vực về điện hạt nhân như tính toán, thiết kế, giải quyết các phát sinh trong thực hiện chương trình điện hạt nhân, nhiên liệu, cải tiến nhiên liệu, quản lý chất thải phóng xạ.
Trung tâm cũng sẽ tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đây là trung tâm nghiên cứu chủ lực trong ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong tương lai.
Ông Tấn cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho ý kiến về việc xây dựng trung tâm này. Trung tâm sẽ do Nga giúp xây dựng để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như phục vụ cho việc phát triển lâu dài.
Theo lộ trình, tháng 9/2011, hiệp định liên chính phủ về xây dựng trung tâm sẽ được ký kết. Việc nghiên cứu, phê duyệt địa điểm và lập, phê duyệt dự án sẽ thực hiện trong vòng một năm. Trung tâm sẽ khởi công xây dựng vào tháng 6/2013 đến tháng 10/2018 đi vào hoạt động.
Về nhân lực, trung tâm sẽ cần 350 người, có thể từ Viện Năng lượng nguyên tử chuyển sang, các cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp năng lượng hạt nhân cũng có thể làm việc tại đây. Các cán bộ sẽ được đào tạo ở Nga bắt đầu từ cuối năm nay.
Trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ, ông Tấn cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam dự kiến xây dựng trung tâm ở một trong ba tỉnh là Hòa Bình, Đà Lạt và Đồng Nai.
Hương Thu