Bên lề hội nghị "Thách thức trong phát triển điện hạt nhân ở các nước đang phát triển" diễn ra đầu tuần này, ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, trao đổi với các phóng viên về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
- Công việc chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của ta ở Ninh Thuận đã được thực hiện đến đâu thưa ông?
- Việt Nam đang đàm phán với Nga và Nhật để chuẩn bị ký kết hợp đồng lựa chọn đối tác xây dựng nghiên cứu khả thi, với mục tiêu là làm sao đảm bảo đúng tiến độ và an toàn cao nhất.
Sau khi ký xong giai đoạn nghiên cứu khả thi, tức là có thiết kế cụ thể nhà máy, thì sẽ tính toán tổng kinh phí xây dựng hai nhà máy. Mức kinh phí phụ thuộc quyết định chọn công nghệ nào.
Vì đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam nên trong quá trình thực hiện có nhiều thách thức, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đến xây dựng hành lang pháp lý.
- Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Việt Nam có yêu cầu đặc biệt gì tới vấn đề an toàn trong giai đoạn thiết kế hiện nay cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?
- Ngay sau sự cố của Nhật Bản, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng các nước về an toàn điện hạt nhân tại Áo vào tháng 6 vừa qua. Các nước đều kiến nghị về việc nâng cấp tiêu chuẩn an toàn điện hạt nhân để đảm bảo những lò đang hoạt động cũng như với các nhà máy xây dựng mới.
Phía Việt Nam vẫn giữ nguyên kế hoạch phát triển xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2014, nhưng chúng ta yêu cầu phía đối tác nâng cao các tiêu chuẩn về thiết kế an toàn, nâng cao tiêu chuẩn dự trữ an toàn cho thiết kế.
Chẳng hạn như với động đất, theo khảo sát của các nhà khoa học, chẳng hạn khu vực này nguy cơ động đất 7 độ Richter, thì tiêu chuẩn dự phòng là 8 độ Richter. Nhưng giờ đây các chuyên gia khuyến cáo có thể sẽ phải đưa lên đến 9 độ Richter, tức là tăng tiêu chuẩn dự trữ an toàn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến. Ảnh: Hương Thu. |
- Mới đây, Nhật Bản tuyên bố sẽ xem xét việc ngừng phát triển điện hạt nhân và hướng tới không phụ thuộc vào nó. Đức, Thụy Sĩ cũng thay đổi chiến lược phát triển điện hạt nhân. Điều này có tác động gì đến chủ trương của chúng ta?
- Đấy là cả một chiến lược lâu dài của họ nên mình cũng chỉ biết vậy. Nhưng thực tế thì nhiều nước vẫn sử dụng điện hạt nhân vì đây là phương án khả thi để đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia.
Tôi nghĩ rằng, việc xem xét chủ trương phát triển điện hạt nhân tùy thuộc điều kiện và quan điểm của mỗi quốc gia khác nhau. Riêng với Việt Nam, chủ trương này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và được xem xét trên mức độ an toàn cao nhất.
Hiện ở Việt Nam, nguồn cung điện vẫn đang căng thẳng, thiếu điện diễn ra thường xuyên. Còn nếu nhìn rộng ra, trong tương lai nếu thiếu điện thì chắc chắn nền kinh tế sẽ không phát triển được.
Theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện hạt nhân thì chúng ta phấn đấu đưa điện hạt nhân chiếm 4,5% tổng sản lượng vào năm 2020. Tất nhiên trong quá trình phát triển cũng có thể có điều chỉnh.
Theo quy hoạch hai nhà máy này thì mỗi nhà máy có hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất khoảng 1.000 MW, như vậy mới có tổng cộng 4.000 MW.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga xây dựng. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân không nhỏ, trong khi theo quy hoạch điện ở nước ta, trong 10 đến 20 năm tới, điện hạt nhân chỉ chiếm 10%. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế của điện hạt nhân?
- Điện hạt nhân khác với các loại điện khác ở chỗ nó có vòng đời dài, khoảng 60 năm hoặc hơn. Thời gian khấu hao khoảng 20 năm, còn 40 năm sau sẽ là lúc để thu lợi.
Trong khi đó nhiệt điện vòng đời chỉ có 20-30 năm, cho nên nhiệt điện có giá thành cao hơn nếu tính tổng thể.
Thêm nữa, với điện hạt nhân, đầu tư ban đầu lớn, nhưng sau khi hết khấu hao phần phải đầu tư nhỏ. Trên thế giới người ta ví điện hạt nhân như gà đẻ trứng vàng, bởi chi phí ít mà lợi nhuận cao.
- Còn chi phí xử lý chất thải?
- Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong phát triển điện hạt nhân. Nhưng nguyên liệu trong các nhà máy điện hạt nhân khi cháy chỉ cháy một phần, không cháy hết nên người ta có thể xử lý lại.
Một số nước như Pháp, Nhật, Nga đang áp dụng tái xử lý chất thải để sau này làm nguồn nhiên liệu cho điện hạt nhân. Người ta tính đây có thể là nguồn cung cấp cho hàng nghìn năm sau, trong khi quặng urani theo tính toán thì cũng chỉ dùng được khoảng 70 năm nữa.
Trong thực tế, chi phí lớn sẽ phát sinh khi một nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động, bởi cần xử lý, tháo dỡ nhà máy đó. Trên thế giới, trong thời gian nhà máy vận hành, người ta trích một phần lợi nhuận cho vào quỹ xử lý tháo dỡ để dùng về sau.
Hương Thu