1. Khỉ titi biết sử dụng trật tự gần giống câu nói
Các nhà khoa học gần đây đã giải mã được tiếng nói của loài khỉ titi, tên khoa học là Callicebus, và so sánh hình thức giao tiếp của loài linh trưởng nhỏ bé này với con người. Nghiên cứu mới nhất cho thấy những tiếng gọi báo động khi có kẻ săn mồi của khỉ titi là không giống nhau, tùy theo từng kẻ địch. Tiếng gọi còn có thể thông báo vị trí nơi kẻ săn mồi đang ẩn nấp, dưới mặt đất hay đang bay liệng trên trời.
Những tiếng kêu này phát ra theo một trật tự nhất định, gần giống với cấu trúc câu nói của con người. Tác giả bài nghiên cứu, bà Cristiane Casar và đồng nghiệp tại Đại học St. Andrews, Anh, ghi nhận đó là "lần đầu tiên một hệ thống tiếng gọi báo động có trật tự của một loài động vật không phải con người đạt được khả năng hàm chứa thông tin về cả vị trí và chủng loại của kẻ ăn thịt."
2. Cá heo biết gọi tên nhau
Cá heo đặt tên cho mình bằng một tiếng kêu huýt đặc trưng, trong đó bao gồm cả những thông tin như giới tính, độ tuổi, khả năng tiếp nhận giao phối và tình trạng sức khỏe. Chúng tự kêu tên mình khi cô đơn và cần bạn đời.
"Động vật biết bắt chước và tạo thành bản sao khi chúng bị tách xa khỏi đồng loại thân thiết. Điều này khiến chúng tôi tin rằng một con cá heo thường bắt chước tiếng kêu đặc trưng của một con khác khi muốn đoàn tụ với riêng con cá heo đó", nhà nghiên cứu Stephanie King thuộc đơn vị nghiên cứu động vật có vú dưới nước của Đại học St. Andrews, cho hay.
3. Khỉ đột gorilla có thể học ngôn ngữ ký hiệu
Khỉ đột trong tự nhiên có những cách giao tiếp riêng rất cụ thể, thông qua tiếng gọi, cử chỉ, vỗ tay và nhiều cách khác nữa. Trong môi trường nuôi nhốt, khỉ đột gorilla có thể được dạy cách giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Một con khỉ đột tên là Koko, do tổ chức The Gorilla Foundation chăm sóc, được cho là có "vốn từ vựng bằng ngôn ngữ ký hiệu trên 1.000 từ, được sử dụng trong các câu nói và câu hỏi phức tạp". Phần lớn các ký hiệu này theo đúng tiêu chuẩn Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL), nhưng có một số là cử chỉ tự nhiên (theo bản năng loài khỉ đột), một số do Koko tự nghĩ ra chứ không phải được dạy, và một số là ký hiệu ASL nhưng được Koko biến đổi nên được các nhà khoa học gọi là Ngôn ngữ kí hiệu khỉ đột (GSL).
4. Voi biết nói tiếng Hàn Quốc
Một con voi châu Á giống đực tên là Koshik có khả năng bắt chước tiếng nói của con người. Theo lời giáo sư Tecumseh Fitch và đồng nghiệp thuộc Đại học Vienna, Áo, vốn từ của Koshik cho đến thời điểm này gồm có năm từ: annyong (xin chào), anja (ngồi xuống), aniya (không), nuo (nằm xuống), và choah (tốt).
"Một số từ là những mệnh lệnh mà Koshik đã học để thực hiện theo, như 'nằm xuống' và 'ngồi xuống', còn một số từ là lời nhận xét của con người. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng con voi hiểu được nghĩa của những từ nó nói", giáo sư Fitch phát biểu.
5. Tinh tinh biết diễn đạt ý của mình
Loài tinh tinh giao tiếp qua một tổ hợp những cử chỉ đầy biểu cảm, những cách phát âm và cả ngôn ngữ ký hiệu, tất cả được tận dụng để truyền đạt đúng thông điệp của chúng cho nhau. Các cử chỉ thường diễn ra theo trật tự, vì vậy, giống như tiếng gọi báo động của khỉ titi, chúng được đối chiếu với cấu trúc câu của người.
"Có rất nhiều sự trùng khớp giữa các cử chỉ của tinh tinh và của người", bà Mary Lee Abshire Jensvold, viện phó Viện giao tiếp giữa người và tinh tinh, Washington, Mỹ, cho biết. "Rất nhiều động tác quan sát được trong trò chơi của con người, như là đập tay, cù, xô đẩy, chặn ngang và đá chân, cũng có thể quan sát thấy trong trò chơi của tinh tinh. Khi bạn hình dung một trận đấu vật giữa hai người tức là bạn hình dung được ra cảnh hai con tinh tinh chơi đùa với nhau rồi."
>> Xem tiếp
Hiếu Trần (Theo Discovery)