Với câu hỏi Ôtô phải đi thế nào khi người dân chiếm đường phơi lúa?, dưới góc độ luật về hành vi này như sau:
Theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều".
Căn cứ theo quy định trên, phải hiểu hành vi đi ngược chiều bao gồm: đi ngược chiều của đường một chiều và đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều".
Tuy nhiên, trong tình huống video, đoạn đường lái xe đang chạy không phải đường một chiều và cũng không có biển "Cấm đi ngược chiều". Do đó, lái xe không bị phạt lỗi đi ngược chiều.
Mặt khác, luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong video, đoạn đường xe chạy là đường hai chiều (đường có cả hai chiều đi và chiều về trên cùng một phần đường xe chạy). Căn cứ quy định này thì người lái xe phải điều khiển xe đi bên phải chiều đi của mình, đi đúng phần đường. Trường hợp này, vì tránh vật cản là thóc, lúa, rơm, rạ, ... nên lái xe đi không đúng phần đường nên có thể bị xử phạt.
Tuy nhiên, cũng theo nghị định 100/2019 thì hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ sẽ bị xử phạt. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của lái xe là từ hành vi vi phạm của người khác. Pháp luật cũng chưa có quy định giải quyết đối với tình huống này.
Do đó, trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần xem xét kỹ lưỡng khi quyết định xử phạt lái xe để hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa các tình huống tai nạn giao thông đối với trường hợp này, lái xe cũng cần tuân thủ đúng các quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn... để có thể xử lý tình huống không may xảy ra.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông.
Luật sư Đặng Thành Chung
Văn phòng luật An Ninh, đoàn luật sư Hà Nội