Các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã kéo dài 12 ngày liên tiếp, thu hút hàng nghìn người tại toàn bộ 50 bang. Hàng nghìn người đã bị bắt, không ít người cũng bị thương khi cảnh sát áp dụng biện pháp mạnh như sử dụng hơi cay và đạn cao su nhằm trấn áp các hành động quá khích.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số vũ khí quân dụng được Lầu Năm Góc chuyển cho các sở cảnh sát, bao gồm những khí tài như xe kháng mìn, máy bay, súng trường và súng phóng lựu với giá trị có thể lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
![Cảnh sát mang trang bị quân dụng đối phó cuộc biểu tình ở Ferguson năm 2014. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/06/08/militarized-police-3004-1591591405.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cBfhh79FnQBcEbFm9Gpgzg)
Cảnh sát mang trang bị quân dụng đối phó cuộc biểu tình ở Ferguson năm 2014. Ảnh: AP.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã bàn giao lượng vũ khí trang bị quân sự với tổng trị giá hơn 7,2 tỷ USD cho các lực lượng hành pháp kể từ năm 1997 thông qua Chương trình 1033, trong đó cho phép quân đội bán vũ khí dư thừa cho cảnh sát với chi phí thấp hơn rất nhiều lần giá gốc.
Cựu tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 đặt giới hạn cho Chương trình 1033 sau khi cảnh sát Mỹ bị chỉ trích quá mạnh tay khi đối phó vụ biểu tình ở Ferguson, bang Missouri, hồi năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2017 ký sắc lệnh chấm dứt giới hạn này.
Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho thấy lực lượng cảnh sát trên khắp nước Mỹ đang sở hữu lượng trang bị quân dụng trị giá 1,8 tỷ USD.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí SAGE của Mỹ năm 2017 cho thấy việc chuyển vũ khí quân dụng cho các cơ quan hành pháp có thể tăng nguy cơ dân thường thiệt mạng. Sau khi xét những yếu tố ảnh hưởng, các hạt được chuyển nhiều vũ khí từ Lầu Năm Góc nhất ghi nhận số vụ cảnh sát làm chết người cao gấp đôi những nơi không được nhận khí tài.
"Chúng tôi dự đoán và phát hiện rằng những sở cảnh sát nhận càng nhiều trang bị quân sự thì sĩ quan càng cư xử mạnh bạo hơn. Họ tìm ra nhiều cách để tích hợp vũ khí quân dụng vào hoạt động của mình", Ryan Welch, đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay.
Không chỉ tăng số vụ chết người, báo cáo năm 2017 của Tạp chí Kinh tế Mỹ (AEJ) cho thấy vũ khí quân dụng không giúp cảnh sát giảm tỷ lệ tội phạm. Những trang bị phi sát thương có thể làm giảm 7 tội phạm trên 100.000 dân, nhưng các khí tài như xe cơ giới và kính nhìn đêm chỉ đạt một nửa mức này.
Bất chấp lợi ích không rõ ràng của Chương trình 1033, dữ liệu của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ cho thấy các lực lượng hành pháp vẫn tiếp tục được nhận hàng nghìn khí tài với trị giá nhiều triệu USD.
![Xe thiết giáp kháng mìn của Sở cảnh sát Hamburg, bang New York, Mỹ. Ảnh: Buffalo News.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/06/08/mrap-9447-1591591405.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LBMCudxWf4rYqCJJSe03vQ)
Xe thiết giáp kháng mìn của Sở cảnh sát Hamburg, bang New York, Mỹ. Ảnh: Buffalo News.
Xe thiết giáp kháng mìn là trang bị đắt nhất được Lầu Năm Góc bàn giao. Các lực lượng cảnh sát Mỹ hiện vận hành tổng cộng 1.099 xe các loại với mua với giá 745 triệu USD. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xe kháng mìn chỉ phù hợp với các vùng chiến sự ác liệt như Iraq và Afghanistan, không thể hiện nhiều vai trò khi đối phó với tội phạm trên lãnh thổ Mỹ.
Xe tải đa dụng là thiết bị đắt thứ hai với 2.711 xe có tổng giá trị 184,2 triệu USD, trong khi máy bay xếp thứ ba với 13 phi cơ trị giá 87,7 triệu USD.
Trang bị quân dụng phổ biến nhất được quân đội Mỹ chuyển cho cảnh sát là hộp tiếp đạn với 86.548 chiếc, xếp sau đó là 54.131 khẩu súng trường cỡ nòng 5,56mm và 45.214 bộ kính ngắm.
Vũ Anh (Theo Guardian)