Sau sáu tháng mẹ bỏ đi, cha đã cặp bồ và có con riêng nên theo về quê vợ mới, bỏ lại tôi và chị gái cho bà nội. Sở dĩ mẹ không mang theo đứa con nào vì bị cha tôi đánh đến thần kinh, đầu óc rối loạn phải chạy về quê ngoại nương nhờ. Lúc tâm trí ổn định, vì quá thù hận mà mẹ bỏ lại chị em tôi rồi đi biệt xứ vào Nam sinh sống.
Tôi được uống nước cơm loãng thay sữa, dinh dưỡng là nồi cháo đậu với mấy con cua, con ốc bà nội mò được khi đi làm đồng. Hàng ngày tôi theo bà đi gặt lúa, trồng khoai, bà làm thì tôi ngồi chơi rồi ngủ bên bờ ruộng từ sáng sớm tới chiều tối, suốt sáu năm trời như thế. Đó cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong ký ức của tôi, bởi lúc ấy chưa biết yêu, chưa biết ghét, chưa biết hận và cũng chẳng ai ức hiếp.
Lên sáu tuổi, cha dẫn mẹ kế và hai em về sống chung, những năm tháng tăm tối nhất của cuộc đợi tôi cũng bắt đầu từ đấy. Cha tôi vô cùng gia trưởng, có tư tưởng trọng nam khinh nữ, mẹ kế ỷ có con trai nối dõi nên ra sức chèn ép người khác. Việc nhà, việc đồng án đều đẩy sang hai chị em tôi; còn miếng ăn ngon, quần áo đẹp hai em tôi được hưởng. Bà luôn tìm cách để chị em tôi phải bỏ học nhưng tôi sáng dạ và cũng ham học nên quyết tâm không bỏ; chị tôi không chịu được nên bỏ học từ năm lớp chín. Tôi không đếm hết số lần bị ăn đòn, bị la mắng vô cớ nhưng nhớ mình đã hai lần có ý định vắt áo vào nóc chuồng trâu để làm chuyện dại dột. May thay, giây phút tôi muốn kết thúc cuộc đời lại có một vài lý do khách quan không thực hiện được.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi núp sau đống rơm khóc nức nở, vừa mừng vừa lo, sợ không được đi học. Ngày đi, mẹ kế lườm tôi bằng ánh mắt sắc lẹm vì bán hai bao lúa của bà đổi lấy tiền xe, kèm câu nói mỉa mai với hàng xóm: "Nó học gì, chắc vô đấy rồi học chồng thôi", ý là nói tôi sẽ theo trai mà bỏ học. Ngồi trên xe nhìn xa xăm, tâm trí tôi vẫn vang lên câu nói của cha: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Từ giây phút ấy, tôi buộc phải mạnh mẽ và nhất định thành công.
Sau 11 năm tha hương học và làm, tôi là đứa thành công nhất trong bốn chị em, tích góp mua được miếng đất nhỏ, trả góp căn chung cư, có công việc ổn định để giúp đỡ chị gái đôi chút. Dù vậy, ám ảnh của tuổi thơ khiến tôi không dám mở lòng với ai và có cái nhìn rất phiến diện về hôn nhân, mẹ chồng. Điều làm tôi day dứt là làm sao đối diện với gia đình thực tại, buông bỏ hận thù và mở lòng với người thân, những người đã chèn ép tôi ngày xưa. Nếu tôi không làm được thì có phải bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu không?
Với bà nội: Dù đối xử cay nghiệt với mẹ nhưng bà lại rất thương tôi, luôn bao bọc và bênh vực mỗi khi tôi bị mẹ kế đánh đòn, dấm dúi cho tiền tôi đi học. Tôi thương bà bằng tình thương của bà cháu nhưng sâu thẳm tâm hồn lại hận vì bà làm tôi mồ côi mẹ.
Với mẹ kế và hai em cùng cha khác mẹ: Nói thẳng là tôi chẳng còn chút tình cảm nào với họ vì những gì họ đối xử với tôi, thậm chí căm ghét mẹ kế; thế nhưng dù sao miếng cơm tôi ăn lúc nhỏ vẫn có công sức của bà. Tôi cũng từ mặt họ bảy năm nay. Liệu tôi có bất nhân, bất nghĩa khi không báo hiếu hay phụ giúp họ?
Với cha: Tôi nhận ra mình rất mong chờ tình thương từ ông, dù mỗi lần trò chuyện ông chỉ hỏi về tiền của tôi. Có điều được nói chuyện với ông tôi lại thấy vui. Ông muốn tôi gửi tiền về để sửa sang lại nhà cửa, mua cái này cái kia, nhưng lại dồn tiền mình làm ra để gửi cho đứa con trai ông tôn thờ dù nó đã ra trường bốn năm nay.
Về phía mẹ ruột: Chị em tôi đã tìm về quê ngoại từ khi biết nhận thức. Chúng tôi về chơi với cậu mợ, ông bà, mỗi lần về mẹ đều nói cậu mợ mua quần áo và cho tiền nhưng chưa bao giờ chịu về gặp mặt. Trớ trêu nhất là tôi lại ở cùng thành phố trong Nam với bà, đã tìm được địa chỉ nhà nhưng không dám gõ cửa làm phiền. Khi nào trống trẳi, cô đơn tôi lại chạy xe đến con hẻm ấy, đứng nhìn bà từ xa; có lúc nhìn thấy, có lúc không những tôi vui trong lòng. Tôi vẫn không biết nguyên nhân nào khiến mẹ từ chối gặp mặt con dù đang độc thân và không có con riêng. Liệu tôi có nên ép bà nhận con?
Quỳnh
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc