Trưa 7/7, nhiều người dân đứng chờ trước cổng Bệnh viện 175, quận Gò Vấp, dù nhân viên y tế liên tục thông báo "bệnh viện tạm ngưng nhận người xét nghiệm, đến 13h mới làm lại". Vẻ mệt mỏi vì phải chờ từ 9h vẫn chưa thể lấy mẫu, tài xế Ngô Xuân Tuấn cho biết chiều nay ra sân bay Tân Sơn Nhất nhận hàng để sáng mai chở tới Nhơn Trạch (Đồng Nai). Do đó trong chiều nay bằng mọi giá anh phải có xét nghiệm Covid-19 mới đủ điều kiện đi lại.
Theo đại điện Bệnh viện 175, hai ngày qua hơn 3.000 người đã đến bệnh viện test nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, đi lại. Chi phí lấy mẫu nhanh lấy kết quả trong vòng một tiếng với giá khoảng 350.000 đồng một lần, còn xét nghiệm PCR phải sau một ngày với giá tiền gấp đôi.
Trước đó, từ ngày 5/7 những người tỉnh thành khác đi qua Đồng Nai phải trình kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 7 ngày. TP Dĩ An (Bình Dương) cũng yêu cầu người ở nơi khác vào địa bàn từ hôm qua cần có giấy xét nghiệm PCR giá trị trong 7 ngày và 3 ngày đối với test nhanh. Các huyện Tân Trụ, Đức Hoà (Long An) cũng áp dụng quy định tương tự từ hôm nay... Đây đều là những địa bàn mỗi ngày có hàng chục nghìn người dân, lao động đi về từ TP HCM.
Cách Bệnh viện 175 chừng 40 km, sáng nay chị Kim Trúc, 39 tuổi, nhà ở huyện Đức Hoà (Long An), làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân (TP HCM) phải tạm nghỉ việc để đi xét nghiệm mới đáp ứng yêu cầu từ chính quyền địa phương. Hôm qua chị cùng một số công nhân đã phải test Covid-19 ở nhà máy khi nơi đây phát hiện thêm ca nghi nhiễm, nhưng chưa dược cấp giấy xét nghiệm.
"Hai ngày bị chọc mũi hai lần", chị Trúc nói và cho biết mỗi người tự trả chi phí xét nghiệm là 238.000 đồng. Nhân viên y tế hẹn ngày mai đến ủy ban xã nhận kết quả, lúc đó mới biết được đi làm tiếp hay không. Với yêu cầu của chính quyền địa phương, khoảng 10.000 công nhân Pouyuen Việt Nam nhà ở Long An đều phải xét nghiệm Covid-19 nếu muốn đi về trong ngày.
Về phía doanh nghiệp, hai hôm nay Công ty TNHH Triumph International Việt Nam ở Khu công nghiệp Sóng Thần I (TP Dĩ An, Bình Dương) quy mô 3.000 lao động phải dừng sản xuất do 1.500 công nhân sống ở TP Thủ Đức không có "giấy thông hành" khi qua các trạm kiểm soát giữa hai địa phương.
Bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay mới đây nhà máy nhận thông báo của chính quyền TP Dĩ An yêu cầu từ 0h ngày 6/7 người đi, về từ TP HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV. Sau đó nhà máy gọi điện cho tất cả bệnh viện, phòng khám ở TP Thủ Đức đặt hàng để đưa công nhân đến test nhưng không nơi nào nhận.
Công ty Triumph liên hệ được một phòng khám ở quận Tân Bình cách nhà máy 20 km. Ngày 6/7, việc lấy mẫu ở phòng khám được thực hiện nửa chừng bị công an địa phương giải tán do tập trung đông người. Sáng nay, 800 công nhân chưa được lấy mẫu tỏa khắp các bệnh viện, phòng khám ở Thủ Đức để xét nghiệm. Gần trưa nhiều người báo về vẫn chưa đến lượt do các nơi đều quá tải.
Trước tình trạng này công ty đã ký hợp đồng với đơn vị y tế cứ 3 ngày sẽ đưa nhân viên đến tận nhà máy xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân với chi phí cho mỗi mẫu test 400.000 đồng. Quy định phải có xét nghiệm Covid-19 khiến nhà máy bị ảnh hưởng rất lớn, riêng tiền xét nghiệm mỗi đợt hơn một tỷ đồng; đơn hàng nguy cơ bị chậm trễ. Chưa kể công nhân khi lấy mẫu tập trung đông, dễ nhiễm dịch, mang mầm bệnh vào phân xưởng.
Bà Lê Thị Vân, phụ trách nhân sự của Công ty Chang Shuen, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (TP Dĩ An) cho biết nhà máy có 700 lao động, trong đó hơn 300 công nhân sống tại TP Thủ Đức, phải đi xét nghiệm. Với quy định giấy chỉ có giá trị 3 ngày nếu test nhanh như địa phương quy định, mỗi tuần một công nhân phải làm xét nghiệm 2 lần, tốn khoảng 800.000 đồng. Mỗi tháng người lao động phải tốn 3,2 triệu đồng cho chi phí test, chưa kể phải mất ngày công vì xin nghỉ làm đi lấy mẫu.
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy TP Dĩ An cho hay dịch đang bùng phát mạnh nên địa phương đang tăng cường xét nghiệm cho người dân toàn thành phố, đồng thời kiểm soát chặt người ra vào địa phương. Mỗi ngày có khoảng 10.000 người từ TP HCM đến các nhà máy trên địa bàn làm việc.
"Yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV sẽ gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp và lao động, nhưng việc áp dụng sẽ không lâu", ông Nhân nói và cho biết kéo dài tối đa 10 ngày, sau đó thành phố sẽ có phương án khác. Chính quyền cũng vận động các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động đi lấy mẫu, để cùng truy tìm F0, sớm khống chế dịch.
PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, khi dịch bệnh phức tạp, các địa phương kiểm soát chặt người ra vào để phòng dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, các tỉnh thành chỉ nên yêu cầu người từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, chứ không nên "bắt buộc đại trà" như hiện nay.
"Vùng dịch là những địa điểm được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Đó có thể là một xóm, một thôn, một khu phố, một phường, một huyện... Không nên coi tất cả tỉnh thành đều là vùng dịch và yêu cầu mọi người dân ra vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm", ông Phu nói.
Chưa kể, việc một số tỉnh yêu cầu tất cả người dân ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 là "không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực". Bởi khác với vaccine, giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị chứng nhận tại thời điểm lấy mẫu, người đó không bị nhiễm bệnh. Nhưng trên đường đi đến nơi khác, nếu có tiếp xúc với ca bệnh, họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Ông Phu đề xuất các địa phương nên thay đổi biện pháp kiểm soát người ra vào địa bàn, không nên "cứng nhắc" yêu cầu tất cả mọi người phải có giấy xét nghiệm âm tính. Người dân từ tỉnh này đến tỉnh khác dù có giấy xét nghiệm âm tính cần phải thực hiện nghiêm quy định về 5K và thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Theo Bí thư TP Dĩ An, hiện nay đa phần các nhà máy, địa phương đều tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho công nhân nhưng dữ liệu này chưa được chia sẻ. Về lâu dài các nơi cần có quy chế phối hợp thông tin kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân để các chốt kiểm dịch nắm, dễ kiểm soát và đỡ tốn kém hơn.
Lê Tuyết - Viết Tuân - Đình Văn