"Có đôi giày mà cũng không đặt ngay ngắn được thì còn biết làm gì?", anh chồng càm ràm ngay khi về đến nhà. Biết chồng ưa sạch sẽ, chị Nguyễn Thị Thành, 29 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội tất tả chạy ra cân chỉnh đôi giày cho thật thẳng trong khi chồng tiếp tục hậm hực trong nhà tắm: "Có vài cái khăn treo cũng không đúng quy định".
Chị Thành đứng ngoài cửa thở dài.
Mặc mâm cơm đã dọn sẵn và vợ con đang ngồi chờ, anh Minh Đức vặn nước cọ thêm một lượt nhà vệ sinh, quay ra bếp lau chạn, rồi lấy chổi quét một lượt cửa sổ... "Cảm tưởng như trong nhà chỗ nào cũng phải vô trùng như phòng phẫu thuật", chị Thành kể lại tình huống chiều qua trong nhà mình.
Người phụ nữ Hà Nội không lạ tính chồng bởi đã 7 năm chung sống. Từ khi vừa cưới và ra ở riêng, anh Đức yêu cầu mọi thứ trong nhà phải thật ngăn nắp, đồ đạc để đúng vị trí, quần áo gấp vuông, xếp theo nhóm màu, là ủi thẳng tắp trước khi mặc. Thời gian đầu, nhà chỉ hai vợ chồng nên mọi việc không quá khó khăn.
Từ khi hai đứa con sinh đôi ra đời, cuộc sống của họ bị đảo lộn. Bọn trẻ nghịch ngợm, hay lấy đồ chơi ra vứt khắp nơi. Dù ở nhà cả ngày, chị Thành không thể dọn xuể so với độ quậy của hai đứa con. Có lần, anh Đức đi làm về thấy hai cái ôtô của con chơi xong chưa kịp cất, anh đá thẳng vào tường rồi cho vào thùng rác.
Anh Nguyễn Văn An, 37 tuổi, ở quận 1, TP HCM gọi vợ là người "cuồng chủ nghĩa hoàn hảo". Chị Thu Hoài, vợ anh, ngoài giờ đi làm, ở nhà chỉ có sở thích duy nhất là dọn dẹp. Từng centimet trong căn nhà mặt phố không bao giờ vướng bụi vì luôn có bàn tay chị lau chùi ngày hai lần. Thay vì thể dục mỗi sáng hay thư giãn buổi chiều, chị cặm cụi lau từng bậc cầu thang, từng góc nhỏ trên cánh cửa.
Chị Hoài không bao giờ mời bạn đến nhà vì sợ họ mang bụi bẩn vào. Hồi mới cưới, người nhà anh An đến chơi, khách vừa ra khỏi nhà vệ sinh chị đã vào cọ rửa. Cốc khách uống nước, chị mang ngay đi rửa rồi phơi nắng sát trùng hoặc bỏ luôn. Anh chồng tự ái, mắng vợ không tôn trọng người nhà anh nhưng sau này mới biết ai đến nhà chị cũng hành xử như vậy.
Chồng con đi làm về, chưa kịp treo áo lên móc, xếp mũ, cặp đúng quy định sẽ bị chị quát. Con làm rơi vãi thức ăn ra sàn sẽ bị chị mắng tới tấp, bắt lau khô sàn mới được đứng lên. "Bố con tôi chỉ ước mẹ đi công tác để tự do", anh An kể.
Không chỉ ở nhà, mỗi lần khi đi ăn nhà hàng, chị chuẩn bị hẳn một bộ đũa thìa riêng. Ngồi vào bàn ăn, chị yêu cầu nhân viên phải tráng bát ăn của mình bằng nước sôi, trước mắt mới yên tâm. Nhiều tối, hai vợ chồng gần gũi xong, chị vội vàng lao đi tắm.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) thừa nhận, có không ít khách hàng của bà than phiền mệt mỏi, bức bối, thậm chí là sợ không khí gia đình vì vợ hoặc chồng là người quá sạch sẽ, ngăn nắp.
Chị Thành cho biết, luôn cố thu vén để không gian sống gọn gàng, sạch sẽ. Nhưng những đòi hỏi quá chi tiết của anh làm chị căng thẳng và ngột ngạt. "Anh cứ về nhà là hai đứa con im thin thít, tưởng như không dám thở", chị kể.
Anh An cũng khuyên vợ bớt hà khắc với chính mình và chồng con, nhưng chị Hoài khẳng định "không thể sống chung với bụi bẩn". Anh thuê giúp việc để giải phóng cho vợ nhưng từ đầu năm đến nay đã ba người xin nghỉ vì không đáp ứng nổi yêu cầu của bà chủ nhà. Chán nản, anh An thường về nhà lúc vợ con đã đi ngủ. Chị Hoài nghi chồng thiếu chung thủy, liên tục tra hỏi làm không khí gia đình thêm căng thẳng.
Không ai phủ nhận sạch sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu do giáo sư NiCole R. Keith, Đại học Indiana (Mỹ) thực hiện chỉ ra rằng những người có nhà sạch, khỏe mạnh hơn những người có nhà bừa bộn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra lối sống quá sạch sẽ làm thay đổi vi khuẩn bên trong cơ thể và dễ dẫn đến dị ứng, hen suyễn, tiểu đường tuýp 1. Các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu ung thư Anh cho rằng sống quá sạch khiến hệ miễn dịch trẻ em hoạt động không đúng cách.
Không chỉ sức khỏe thể chất, nếu một người sạch sẽ quá sẽ tạo áp lực tâm lý với các thành viên khác trong gia đình. Những người vợ hoặc chồng vô tư không bị ảnh hưởng nhiều còn đa phần đều mệt mỏi, căng thẳng và ức chế vì người sạch sẽ quá thường vừa dọn dẹp vừa càm ràm. "Những thứ tưởng nhỏ nhặt đó tích tụ lại có thể khiến hôn nhân rạn nứt", bà Lã Linh Nga nhận định.
Cuộc khảo sát của cơ quan bảo hiểm Risk and Underwriting tại Anh cho thấy, trung bình các cặp vợ chồng cãi nhau 40 phút mỗi ngày vì làm việc nhà. Trong danh sách việc vặt gây tranh cãi nhất, đứng đầu là vứt quần áo bừa bộn, gây ra đến 35% số vụ xung đột. Một lý do khác cũng thường khiến các cặp vợ chồng gây hấn là đánh đổ hoặc dây bẩn ra nhà, không dọn dẹp phòng ngủ, không đổ rác...
Giới nghiên cứu nước ngoài khẳng định, trong một số trường hợp, bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng có biểu hiện "quá sạch sẽ và ngăn nắp" đi kèm với cảm giác khó chịu, bứt rứt. Tiến sĩ y khoa Josephine Elia, bệnh viện A.I. duPont Hospital (Delaware, Mỹ) cho biết, người mắc bệnh sạch sẽ do OCD có thể xuất hiện các triệu chứng như sợ hãi trước đồ vật bị bụi bẩn, có nhu cầu rửa tay hoặc tắm rửa thường xuyên, tìm mọi cách để làm sạch bản thân, nhà cửa; thay, giặt quần áo nhiều lần trong ngày và từ chối cho phép người khác vào không gian được coi là sạch sẽ và an toàn của mình.
Theo thạc sĩ Linh Nga, bản thân những người quá sạch sẽ cũng khổ vì họ thường vùi đầu vào dọn dẹp nên không có thời gian cho riêng mình. Bà từng tư vấn cho một khách hàng, dù ở nhà nội trợ nhưng ngày nào cũng đến 11h khuya mới ngừng dọn dẹp.
Chuyên gia nhận thấy có nhiều việc thừa trong danh sách những việc phải làm trong ngày khách liệt kê ra. Ví dụ, một số vị trí trong nhà kho có thể dọn tuần một lần, chị vẫn lau dọn hàng ngày, xoong không nấu đến nhưng bữa nào cũng sắp xếp lại, tráng rửa. Sau khi thảo luận những việc cần ưu tiên và gạch một loạt những việc có thể loại bỏ, nữ khách hàng rút ngắn được việc nhà, có thời gian đi tập gym.
Những đứa con trong gia đình có bố mẹ quá sạch sẽ cũng xuất hiện cảm xúc tiêu cực và dễ bị cô lập. Minh Hoa, lớp 2, được mẹ đưa đến chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn vì thường xuyên la hét, kêu khổ. Cô bé kể, mẹ bắt bé dọn dẹp ngày hai lần, đến nóc tủ cũng trèo lên kiểm tra xem sạch bụi chưa. "Con ghét mẹ con", đứa trẻ bức xúc nói. Chuyên gia tâm lý phải mời người mẹ đến trò chuyện, phân tích chị đang khắt khe với con, đưa ra lời khuyên để giảm áp lực cho bé.
Con gái chị Thu Hoài và anh An ba tuổi, ở nhà mùa dịch nhưng gần như không có bạn chơi. Những đứa trẻ hàng xóm thấy bé dễ thương nên muốn bế, chị Hoài bắt phải rửa tay mới được đụng vào con mình. Chị hay nhắc nhở, cau có ra mặt khi trẻ hàng xóm đến chơi để dép lộn xộn, trèo lên ghế. Thấy thái độ của chủ nhà, bố mẹ bọn trẻ không cho con đến chơi nữa.
Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng, các bà vợ, ông chồng quá sạch thay vì luôn tay dọn dẹp hãy đặt khung giờ cố định cho việc này và chỉ dành thời gian cho những thứ thực sự cần điều chỉnh. "Sạch sẽ mà khiến những người khác trong gia đình căng thẳng và ức chế thì nên cân đối lại", chuyên gia nói.
Chị Thành cho biết, trường mầm non mở cửa trở lại, chị cho các bé đi học và đang tìm việc làm. "Tôi phải chủ động cuộc sống của mình. Nếu không có cách nào thay đổi anh, tôi phải tách dần ra", chị nói.
Phạm Nga