Hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Hoa, 40 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã quá quen cảnh chồng đi nhậu đến khuya, chẳng biết đường về.
Lúc mới yêu thấy anh hay nhậu nhưng nghĩ thanh niên ham vui nên Hoa không nghĩ nhiều. Khi lấy nhau rồi, anh Dương vẫn không thay đổi và thường xuyên không ăn tối ở nhà với lý do tiếp khách, kiếm hợp đồng, duy trì mối quan hệ... để nhậu.
Đến ngày sinh con đầu lòng 8 năm trước, chị mới nhận ra bệnh ham nhậu của chồng đã "hết thuốc chữa". Hôm đó, bác sĩ hẹn giờ mổ, Hoa nhắn chồng tối về sớm nghỉ ngơi, sáng hôm sau đưa vợ vào viện. Đến đêm chưa thấy chồng về, gọi điện thì thấy tắt máy. Chị Hoa nhắn cho ông bạn hay nhậu cùng mới biết chồng mình đã say bí tỷ, đang nằm bẹp ở quán.
Giờ đã hai mặt con, Hoa không nhớ bao lần tìm chồng giữa đêm. Chỉ cần nói địa điểm nhậu trước khi đi, dù muộn thế nào chị cũng đến tận nơi để chắc chắn chồng vẫn an toàn, không bị tai nạn giữa đường.
"Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi và cô đơn, cảm giác như phải gánh vác cả thế giới", Hoa nói.
Hải Yến ở Quế Võ, Bắc Ninh luôn đặt câu hỏi rượu bia có ma lực gì mà hấp dẫn chồng đến vậy.
"Vợ ốm nằm nhà, con chờ dài cổ ở trường mà bố nhậu quên cả đón. Về quê ăn Tết thì sống chết bên mâm rượu, chẳng tỉnh táo được ngày nào. Ra quán say rượu bị móc mất ví cũng chẳng biết...", Yến liệt kê.
Cũng vì ham nhậu, tiền lương của chồng chị hơn chục triệu chỉ đưa vợ vài triệu để nuôi con, số còn lại anh giải thích là "để chi tiêu cá nhân và làm việc lớn". Có những tháng nhiều khoản chi quá, vợ giục đưa thêm, anh luôn thoái thác rằng "dạo này kẹt quá" hay "hết tiền rồi".
Nửa năm trước, một lần nhậu say tự đi xe về, chồng Yến đâm vào dải phân cách, bị thủng bụng, phải cắt mất 1/3 dạ dày. "Tôi nghĩ sẽ chừa hẳn nhưng sau nửa năm anh ấy vẫn chứng nào tật nấy", cô ngao ngán.
Hai người chồng của chị Yến và Hoa là những ví dụ về đàn ông Việt coi nhậu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, góp phần đẩy lượng tiêu thụ rượu bia từ mức trung bình 0,9 lít (2018) lên 1,3 lít mỗi người một tháng (năm 2020), theo Tổng cục Thống kê.
Năm 2019, Tạp chí y khoa Lancet từng công bố nghiên cứu cho thấy tốc độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, tăng 90% so với năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tăng trưởng của quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ. Cũng trong nghiên cứu này, mỗi ngày đàn ông Việt nạp vào người hơn 5 ly tiêu chuẩn (mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10 gram cồn), nằm trong mức cao nhất thế giới. Trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Điều tra năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam ở mức "quá độ, nguy hiểm", trong đó đa phần là nam giới.
Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất.
"Văn hóa nhậu ở Việt Nam, đã ngồi vào bàn là phải uống hết mình, nếu không sẽ bị cho là coi thường bạn bè, nặng hơn thì không đáng đàn ông", nhà văn Hoàng Anh Tú nói. Ông cho rằng, quan điểm trên là một định kiến giới, khiến đàn ông khổ bởi chính những người đàn ông.
Theo nhà văn, điều dễ thấy nhất khi lạm dụng rượu bia là hàng loạt hậu quả về sức khỏe, thay đổi hành vi theo hướng tiêu cực. Số liệu của Tổng cục thống kê năm 2019 cho biết, tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia vào khoảng 26.000 tỷ đồng; chi phí giải quyết hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tốn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Những ông chồng ham rượu bia cũng có thể trở thành bóng ma của hạnh phúc gia đình. Năm 2018, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã công bố một nghiên cứu cho thấy 34% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam xuất phát từ người uống rượu bia.
Yến hiểu điều này hơn ai hết bởi mỗi lần nhậu say, chồng cô như biến thành người khác với khuôn mặt dữ dằn, mắt long sòng sọc, thậm chí nếu bị vợ càm ràm, anh còn đập phá đồ đạc trong nhà, đánh mắng con cái. Nhiều lần cô phải gọi hàng xóm giải cứu, nhưng vài hôm sau đâu lại vào đó.
Với Hoa, những năm đầu hôn nhân, khi Dương hay đi nhậu, cô liên tục gọi điện giục về, nhiều lần còn đi đón chồng say xỉn giữa đêm khuya. Ban đầu, anh cũng tỏ chút hối hận, nhưng lâu dần thành quen, coi đó như việc phải làm của vợ.
Ngọt nhạt không xong, Hoa chuyển sang giận dỗi, cấm vận cả "chuyện ấy". Thậm chí, có hôm cô khóa cửa không cho vào nhà, Dương lại đi thuê nhà nghỉ. Nói mãi không ăn thua, Hoa chán mặc kệ. Với cô, chồng từ lâu không còn tồn tại trong nhà.
Kết quả điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, hơn 12% số gia đình có xung đột thường xuyên, có bạo lực (chủ yếu do chồng gây ra cho vợ) đã kết thúc hôn nhân bằng cách đường ai nấy đi.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, cũng là đàn ông nên ông biết các ông chồng đều nhận thức được tác hại và những hậu quả của việc ham nhậu nhưng không giảm được thói quen này. Ngoài lý do chính từ bản lĩnh người đàn ông không vững, một phần còn do người vợ chưa đủ cương quyết để người chồng nhận ra họ sẽ mất gì nếu duy trì lối sống vô trách nhiệm đó.
"Điểm yếu của phụ nữ khi chồng đi nhậu về chỉ nhiếc móc vài câu, nhưng chỉ cần ông xã im lặng hay xin lỗi là cho qua. Nếu không nhận được hậu quả cụ thể do hành động của mình, họ khó lòng thay đổi được", ông Tú khẳng định.
Nhiều năm tư vấn tâm lý, chuyên gia Trịnh Trung Hòa chia sẻ, mỗi phụ nữ khi bước chân vào hôn nhân đừng quên yêu cầu chồng cùng phải chia sẻ trách nhiệm với gia đình. Với việc nhậu nhẹt, không chỉ là khuyên nhủ mà người vợ cần đòi hỏi, ra tối hậu thư với chồng để bảo vệ mình cũng như con cái.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, với những trường hợp "mê nhậu hơn tất thảy" thì khó lòng thay đổi được. Ở những trường hợp này, người vợ cần tìm cách cứu mình khi buộc phải ''sống chung với lũ". Thay vì thức đêm chờ chồng, hãy lo giữ gìn sức khỏe bản thân và dành thời gian chăm sóc con cái. Tiền bạc trong gia đình nên giữ chặt, tỏ thái độ cương quyết trước tình trạng nhậu nhẹt. Và nếu như điều đó không lay chuyển được chồng, nên buông tay để tự giải cứu mình.
"Khi người phụ nữ can đảm để quyết định cuộc đời mình, không chạy theo ông chồng bợm nhậu nữa, người đàn ông buộc phải suy nghĩ khác", ông Hòa khẳng định.
Gần đây, đi nhậu về Dương nhận được lá đơn đơn ly hôn kèm một bức tâm thư đặt trên bàn làm việc. Trong thư, Hoa viết cô cảm thấy chán ghét mỗi khi ngửi mùi bia rượu trên người chồng. "Tôi căm thù khi thấy cái thân hình nhếch nhác, lê lết say sưa từ ngoài đường vào nhà. Giờ giải thoát cho nhau, anh sẽ được sống theo ý thích của mình", cuối thư người vợ viết.
Nhìn thấy lá đơn ly hôn của vợ, Dương chợt nhận ra, anh sắp đánh mất gia đình. Người đàn ông này quay lại xin lỗi vợ và mong cô cho mình một cơ hội để quay về và sửa đổi. Hoa đồng ý nhưng vẫn bày tỏ sự cương quyết thà kết thúc hôn nhân chứ không chấp nhận "người chồng nát rượu có thể làm hỏng cả con".
Bây giờ Dương vẫn chưa hoàn toàn bỏ nhậu nhưng tần suất ít hơn hẳn. Tháng chỉ 2-3 lần và không bao giờ đi quá 11 giờ đêm. "Từ khi rượu bia ít hơn, rõ ràng, tôi vẫn không hề mất đi các hợp đồng giá trị hay những mối quan hệ bằng hữu của mình", anh thừa nhận.
Hải Hiền